Nâng tầm kỹ năng - trách nhiệm và tự trọng nghề nghiệp của người lao động

Hoàng Lam

(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia".

Nâng tầm kỹ năng - trách nhiệm và tự trọng nghề nghiệp của người lao động - 1

Lực lượng lao động có chất lượng kỹ năng là nguồn tài nguyên vô giá quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. (Ảnh minh họa).

Với quốc gia gần 100 triệu dân, có 55 triệu lao động trong giai đoạn dân số vàng thì đây là lợi thế đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, tại Hội thảo "Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam" tổ chức hồi tháng 4/2021, hạn chế của lao động nước ta cũng được chỉ rõ. Kỹ năng lao động của Việt Nam chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.

Phải thẳng thắn thừa nhận, lao động Việt Nam nhiều nhưng chưa "tinh". Nghiên cứu được công bố tại hội thảo nêu trên cũng cho thấy tỉ lệ lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu trong khi lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% trong năm 2020.

Thực tế cho thấy, một trong những thế mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta là do công lao động rẻ hơn các quốc gia khác. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang dừng lại ở lao động giản đơn, hàm lượng kỹ thuật chưa cao như may mặc, giày da, linh kiện điện thoại...  

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ mất lợi thế về thị trường lao động nếu chỉ mãi bằng lòng với nguồn lao động phổ thông dồi dào. Nâng cao kỹ năng lao động để thích ứng với thế giới việc làm đang thay đổi và đáp ứng yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế "hậu Covid-19" đang là vấn đề bức thiết hiện nay.

Đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách và nguồn lực đầu tư. Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao... được xác định là một trong những mũi đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Quan điểm này xuyên suốt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.

Đặc biệt, trong bối cảnh "sống chung với Covid-19", nâng tầm kỹ thuật lao động đang là ưu tiên chiến lược để nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động không bị đứt gãy, từng bước chuẩn bị cho phát triển kinh tế "hậu Covid".

Bên cạnh hoàn thiện hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực việc hình thành các trung tâm đào tạo lao động theo đơn đặt hàng để đáp ứng nhu cầu chất lượng lao động của doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, giữa đào tạo nghề và rèn nghề, nâng cao tay nghề vẫn đang có khoảng cách. Rào cản đó đến ngay từ chính bản thân người lao động.

Việc nâng cao kỹ năng lao động được xác định là có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội. Đó không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương mà là nhiệm vụ của chính bản thân người lao động.

Tự rèn luyện, nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng, kỷ luật lao động để tự nâng cao giá trị bản thân, từ đó nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống của chính người lao động. Mỗi người lao động cần ý thức rằng, kỹ năng nghề nghiệp cũng chính là tương lai của chính mình và đó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu xuyên suốt, trọn đời.

Trong Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động "Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có một niềm tin chắc chắn rằng người lao động Việt Nam luôn phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, góp phần đưa nước ta sớm chiến thắng dịch bệnh và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng trong giai đoạn tới. 

Niềm tin và kỳ vọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chính là trách nhiệm và tự trọng nghề nghiệp của mỗi người lao động đối với sự phát triển chung của đất nước.