Nâng khống bộ kit test Covid-19: Nếu còn chút lương tri!
(Dân trí) - Những ai có ý định "ăn trên mồ hôi, nước mắt" của dân xin hãy thức tỉnh. Và pháp luật phải nghiêm trị hành vi khốn nạn này.
Cú "lại quả" bằng 1/5 tổng giá trị hợp đồng mua bán kit test Covid-19 mà Công ty Việt Á chi cho Giám đốc CDC Hải Dương có lẽ không phải là trường hợp duy nhất và có lẽ cũng không phải chỉ có khoản cho ông giám đốc. Bao nhiêu tiền đã đổ vào túi các vị qua lỗ mũi của người dân?
Ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 7 đối tượng, trong đó có Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương.
Vụ việc gây chấn động dư luận bởi những thông tin về số tiền "lại quả" mà Công ty Việt Á chi cho giám đốc CDC Hải Dương. Theo kết quả điều tra ban đầu, Phan Quốc Việt đã chi % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến gần 30 tỷ đồng trong tổng số 151 tỷ đồng thông qua 5 hợp đồng mua bán giữa hai bên, tức là chiếm khoảng1/5 tổng số tiền mua bán kit test Covid-19.
Thông tin từ ban chuyên án, từ năm 2020 tới nay Công ty Việt Á đã cung ứng kit test Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã tìm cách nâng khống giá cả lên nhiều lần so với giá thành sản xuất để trục lợi.
Ngay lập tức, nhiều địa phương lên tiếng, khẳng định việc mua bán kit test Covid-19 được thực hiện theo quy định, không có tư lợi, trục lợi xảy ra.
Tất nhiên, chưa có kết quả điều tra, với nguyên tắc suy đoán vô tội, khi chưa có kết luận cuối cùng, chưa thể khẳng định một số tỉnh, thành có ăn chia trong các thương vụ này. Tuy nhiên, niềm tin nội tâm lại không cho phép tôi suy nghĩ rằng những khẳng định không có sự trục lợi, tư lợi trong mua bán kể trên là hoàn toàn trong sạch.
Diễn tiến điều tra về vụ việc đã phát sinh nhiều tình tiết mới cho thấy có dấu hiệu sai phạm liên quan đến một số CDC các tỉnh ngoài CDC Hải Dương. Số tiền mà Việt Á chuyển cho CDC và các bệnh viện trên cả nước không hề nhỏ "ít khoảng 500 triệu đồng, nhiều khoảng một trăm tỷ đồng".
Thời gian qua, chúng ta đang nỗ lực bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị và niềm tin của người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng, tạo bước chuyển biến quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trước sự tấn công của biến thể nguy hiểm Omicron, từng bước khôi phục lại nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng liệu ngay trong chính nội bộ CDC và các cơ sở y tế, có đạt được "miễn dịch" trước sự tấn công của con virus mang tên "hoa hồng" này không? Có bao nhiêu trong số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thu từ dịch vụ xét nghiệm mà người dân phải oằn lưng chi trả đã được tính cho "hoa hồng" mà các vị đút túi?
Đây là một vụ án tham nhũng gây chấn động cả về quy mô, tính chất, mức độ cũng như thời điểm xảy ra tội phạm. Suốt hai năm qua, dù đang lao đao trong cơn đại dịch Covid-19 nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn phải "gánh" thêm chi phí xét nghiệm cao. Bởi vậy, người dân cả nước rất mong vụ án nhanh chóng hoàn tất điều tra, hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan sớm được làm rõ và xử lý nghiêm khắc nhất theo đúng quy định pháp luật.
Với tinh thần trách nhiệm và nghiệp vụ điều tra, đương nhiên cơ quan công an sẽ chứng minh được hành vi phạm tội của các cá nhân, tập thể liên quan. Thực sự không mong muốn nhưng cá nhân người viết tin rằng, những sai phạm này không chỉ xảy ra tại CDC Hải Dương.
Giữa lúc cả hệ thống chính trị và Nhân dân đang cần nhất sự đồng lòng, sẻ chia để cùng nhau vượt qua cơn "bão" Covid-19, nếu còn lương tri, những ai đã trót "nhúng chàm" xin hãy dũng cảm đối mặt và khắc phục sai lầm. Những ai có ý định "ăn trên mồ hôi, nước mắt" của dân xin hãy thức tỉnh. Và pháp luật phải nghiêm trị hành vi khốn nạn này.