“Muốn kêu lên một tiếng TRỜI nhưng xa”!
(Dân trí) - Giờ đây, những người thực thi vụ án có lẽ đã nghỉ hưu và thậm chí, có thể có người không còn trên cõi đời này nữa. Liệu lương tâm (nếu còn sống) họ có thể thanh thản và linh hồn (nếu đã mất) họ có thể siêu thoát và tại sao họ lại có thể “quên” đi một quyết định hệ trọng như vậy?
Trong văn học Việt Nam có hai nỗi oan lớn đã đi vào sử sách. Một là nỗi oan nàng Thị Kính và hai là nỗi oan nàng Kiều. Song, trả giá cho những oan khiên ấy, mỗi vụ việc chỉ có một người phải gánh chịu. Bà Thị Kính ép xác đi tu và nàng Kiều mất 15 năm lưu lạc.
Thế nhưng với nỗi oan ở đây, cái giá phải trả đắt hơn rất nhiều. Có tới 7 người gồm các ông, bà Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan bị khởi tố, truy tố tội cướp tài sản riêng công dân.
Theo phản ánh từ báo Dân trí: “Cách đây 40 năm (1979), tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Ông Chánh bị bắt ngay sau đó.
Từ lời khai của ông Chánh nên Công an huyện Trảng Bàng bắt luôn bà Lan. Cả 2 vợ chồng cùng bị bắt, không ai chăm sóc con nên bà Lan đành mang theo người con gái lớn 8 tuổi vào tù cùng mẹ.
Khi bị bắt, bà Lan đang mang thai 5 tháng. Cuộc sống tù đày, suốt ngày phải chịu những trận đòn của điều tra viên nên chỉ 2 tháng sau, bà Lan đã sinh con trong tù khi thai kỳ vừa 7 tháng tuổi.
Sau khi sinh con trong trại giam, bà Lan lo lắng con lớn lên trong tù cùng mẹ sẽ không có tương lai nên đã quyết định nhờ cán bộ trại giam nuôi giúp.
Hơn 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của gia đình bà Lan, ông Chánh nên quyết định trả tự do cho cả gia đình.
Những ngày ở tù, bà Lan luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang có thai mà lại nỡ khai khống vu oan cho vợ. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con.
Vậy nên sau khi sinh con, bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời.
Cũng chính lời khai của ông Chánh khiến cuộc hôn nhân của ông bà tan vỡ, đường ai nấy đi.
Không chỉ có thế, khi về địa phương, bà Lan phát hiện 90 mẫu đất và một căn nhà đã bị chiếm. “Người người, nhà nhà ai cũng nói gia đình tôi ăn cướp và xa lánh. Chịu không nổi nên tôi đành bỏ xứ ra đi”. Bà Lan nói…
Có lẽ không bút mực nào có thể tả hết nỗi cơ cực mà họ phải gánh chịu.
Song, đau xót hơn, Quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với 7 người đã được ký từ năm 1983 nhưng mãi đến ngày 4/4/2019 vừa qua, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao cho các bị can sau nhiều năm những người này đi kêu oan.40 năm, dài lắm cho một kiếp người.
Giờ đây, những người thực thi vụ án có lẽ đã nghỉ hưu và thậm chí, có thể có người không còn trên cõi đời này nữa.
Liệu lương tâm (nếu còn sống) họ có thể thanh thản và linh hồn (nếu đã mất) họ có thể siêu thoát và tại sao họ lại có thể “quên” đi một quyết định hệ trọng như vậy?
Thành thật, với nỗi đau khủng khiếp này, tôi không dám nghĩ tiếp, đành ngửa mặt: “Muốn kêu lên một tiếng TRỜI nhưng xa”!
Bùi Hoàng Tám