Một ý tưởng "dấy lên sự lo ngại trong dân"!

(Dân trí) -“Nếu yêu cầu tiết lộ nguồn tin cho các cơ quan nhà nước như đề xuất của Bộ Công an thì sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân. Họ sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa....” - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông Phạm Quốc Anh.

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
Những ngày qua, làng báo có 2 “sự kiện chấn động”. Thứ nhất, Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký.
 
Thứ hai là việc Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng “chánh án Tòa án nhân dân, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
 
Việc ban hành Quy chế quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Quy chế không chỉ thể hiện tính công khai mà còn khẳng định thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với người dân.
 
Thế nhưng vấn đề thứ hai thì ngược lại, ngay lập tức nó vấp phải sự không đồng tình của báo giới, đại biểu Quốc hội, luật sư và dư luận.
 
Đã có rất nhiều ý kiến gửi về các tòa soạn báo xung quanh vấn đề này.   
 
Trên báo Dân trí, ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết năm 2012, khi dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã đưa ra quy định tương tự. Song “lập tức gặp phải những ý kiến không đồng tình vì không phù hợp với điều 7 Luật Báo chí. Cơ quan thẩm tra dự án luật này là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi đó cũng không đồng tình và đề nghị xử lý vấn đề nhằm tránh mâu thuẫn với Luật Báo chí”, ông Huệ nói.
 
Trên báo Tuổi trẻ, Nhà báo Mai Thúc Long, nguyên Phó TGĐ Đài tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Nếu yêu cầu tiết lộ nguồn tin cho các cơ quan nhà nước như đề xuất của Bộ Công an thì sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân. Họ sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Điều này làm hạn chế không nhỏ đến kết quả tác nghiệp của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.
 
Trả lời báo chí, Nhà báo Phan Lợi, Phó Thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP HCM đặt vấn đề về con số khổng lồ các “thủ trưởng cơ quan điều tra” bởi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQ CSĐT) của Bộ (gồm nhiều Cục); CQ CSĐT cấp sở (gồm có nhiều Phòng) và CQ CSĐT cấp huyện (gồm nhiều Đội) … “Như vậy, nhà báo và cơ quan báo chí sẽ phải phục vụ nhiều loại đối tượng hơn rất nhiều so với hai đối tượng (viện trưởng VKS và chánh án tòa cấp tỉnh) như quy định tại điều 7 Luật Báo chí hiện hành” – Nhà báo Phan Lợi nói.
 
Trên nhiều cơ quan thông tin đại chúng, các đại biểu Quốc hội và giới luật sư cũng bày tỏ sự bất đồng.
 
Đại biểu Quốc hội khóa XII Lê Văn Cuông còn đề xuất cần phải sửa Luật Báo chí để “mở rộng vai trò, quyền lực, phạm vi hoạt động cho báo chí vì báo chí là lực lượng tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng rất hiệu quả”.
 
Về phía luật sư, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính TW Đảng, ông Phạm Quốc Anh nói thẳng: “Nếu quy định như Bộ Công an đề xuất thì không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa”.
 
LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng điều 7 Luật Báo chí hiện hành phù hợp với nhiều thông lệ, quy định quốc tế. “Thẩm quyền của CQĐT đã quy định rất rõ trong Pháp lệnh về điều tra và Bộ Luật Tố tụng Hình sự, không thể điều chỉnh cả trong Luật Báo chí được” – Ông Hậu nói.
 
Theo LS Trần Đình Triển, không thể làm ngược lại Luật tố cáo bởi tại khoản 2 điều 9 quy định: “Người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình…”.
 
Từ các ý kiến trên, có thể nhận thấy về khía cạnh truyền thông, đề xuất của Bộ Công an sẽ triệt tiêu nguồn thông tin, đặc biệt là với những vụ tham nhũng, các nhà báo sẽ không có được nguồn thông tin từ nhân dân.
 
Về khía cạnh pháp lý, đề xuất trên sẽ tạo nên sự chồng chéo giữa Luật tố cáo, Pháp lệnh về điều tra và Bộ Luật Tố tụng Hình sự
 
Về đạo lý, theo PCT Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ là trái với điều 6 - quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, bởi: “Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin” là đạo đức của người làm báo. Điều này càng không hợp với truyền thống đạo lý của người Việt.
 
Ở một góc nhìn khác, có thể khẳng định báo chí là một trong những nguồn thông tin vô cùng quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng đồng thời cũng là trợ thủ đắc lực của Quốc hội. Không ít những thông tin quan trọng đến được với Quốc hội và đại biểu Quốc hội nhờ kênh báo chí.
 
Vì vậy, trong mặt trận an ninh xã hội và đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng hiện nay, đáng lý lực lượng công an nên coi báo chí là người bạn đồng hành thì ngược lại, đề xuất trên coi báo chí như “cấp dưới” mà cơ quan công an là…“thủ trưởng”!
 
Đề xuất này còn dễ dẫn đến sự “hiểu nhầm” là hạn chế người dân tố cáo tham nhũng, tiêu cực.
 
Cần khẳng định lại rằng Báo chí Cách mạng Việt Nam là diễn đàn của nhân dân. Do đó, mọi qui định hạn chế hoạt động của báo chí đồng nghĩa với việc hạn chế quyền lực của nhân dân, một quyền lực tối cao đã được ghi trong Hiến pháp.
 
Có lẽ, cách hành xử tốt nhất là Bộ Công an nên rút lại ý tưởng đề xuất này như đã từng rút đề xuất quy định xóa tên trong hộ khẩu cách đây không lâu.

 

 
Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!