Một thông tin vui lắm, buồn nhiều

(Dân trí) - Một thông tin “ngất ngây con gà tây” không chỉ cho những người sử dụng xe ô tô cá nhân mà còn với hầu hết mọi người dân, đó là sắp giảm phí hàng loạt tuyến đường BOT trên qui mô cả nước.

m_tien-bot
m_tien-bot

Theo thông tin từ báo Dân trí, có khoảng 60-70% các dự án BOT sau rà soát sẽ được điều chỉnh giảm mức phí đường bộ, thời gian thu phí cũng giới hạn tối đa không quá 30 năm.

Đây là tín hiệu vui, rất vui nhưng ngược lại, cũng buồn, vô cùng buồn.

Nói vui bởi thế là sau những phản ứng của dư luận, đặc biệt là tiếng nói của một số Đại biểu Quốc hội, Bộ GT VT và các ông chủ BOT đã có phương án giảm phí của nhiều tuyến đường dạng này.

Song, buồn bởi nhiều câu hỏi được đặt ra trong sự trăn trở, bức xúc của dư luận.

Thứ nhất, việc giảm tới ¼ (25%) giá phí của 2/3 (70%) dự án là một thất bại thảm hại đối với công tác dự toán. Một sự sai số đến… nghi ngờ. Đó là chưa kể trước đó, sau khi có sự thanh kiểm tra, 13 dự án BOT giảm gần 100 năm thu phí.

Được biết tại một số tuyến đường, số tiền thu mỗi ngày từ hàng trăm triệu đến nhiều tỉ đồng. Với số tiền “khủng” như thế, 25% là bao nhiêu và thời gian 100 năm là bao nhiêu tiền? Người viết bài này không có nghiệp vụ để tính toán cụ thể, chính xác nhưng chắc chắn là nhiều, nhiều lắm.

Thứ hai, vậy số tiền đã “lạm thu” của dân trước đây sẽ được xử lý thế nào? Người dân có được “hoàn trả” hay nó mặc nhiên coi như sự đã rồi, đồng tiền ra khỏi túi như bóng chim bay qua cửa sổ, biệt vô tăm tích, “cá vào ao ai, người ấy được”?

Và câu hỏi thứ ba, nếu như không có “chiến thuật tiền lẻ” cùng sự phản ứng dữ dội của dư luận và báo chí thì việc giảm phí này liệu có xảy ra? Nếu không, người dân phải è cổ bị các ông chủ BOT “trấn lột” như lời của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng?

Đối với tuyến đường điều tiếng nhất thời gian vừa qua là BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, dù có giảm 25% thì cũng là vô lý bởi đó là tuyến đường cũ, chỉ “tráng qua lớp nhựa” như lời của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhưng thu tiền như làm mới.

Cách đây hơn một tháng (19/8), trên BLOG Dân trí đăng tải bài “BOT, cái “vỗ vai”, ai “đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”?” đã đặt câu hỏi “Nếu như lời tâm sự trên báo Thanh niên là có thật thì cần làm rõ “người nhà” đó là ai? Và ai là “cựu lãnh đạo cao cấp” dù không còn quyền chức vẫn “phủ bóng” để “thâu tóm” dự án này?”.

Nhiều bạn đọc gửi thư về Dân trí cho biết BOT “vỗ vai” chính là tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ? Điều này rất cần các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, tránh để sự nghi ngờ, dị nghị không chỉ trong dân chúng mà còn của chính các “cựu lãnh đạo cao cấp” với nhau vì người “vỗ vai” chỉ là một cá nhân mà giờ đây nhiều người mang tiếng.

Trở lại với các con số 70% và 25 %, liệu đây có phải là những phép tính “tiếp cận chân lý” hay trên thực tế, nó còn là 80, 90% và 25 hay 30, 40… thậm chỉ là 50% hoặc cao hơn nữa?

Song, điều nguy hại hơn cả là sự mất mát niềm tin. BOT là một chủ trương đúng đắn, được nhiều quốc gia áp dụng thành công thì về Việt Nam, nó đã gây sự nghi ngờ, thậm chí là căm ghét loại hình này.

Và vẫn một câu hỏi muôn thủa nhưng không cũ, đó là ai phải chịu trách nhiệm cho sự “đổ vỡ” này?

Bùi Hoàng Tám