Một thông tin “rúng động” hàng triệu viên chức
(Dân trí) - Đó là tiến tới xóa bỏ chế độ công chức, viên chức đối với giáo viên. Tuy nhiên trước mắt, sẽ tiến hành thí điểm chế độ hợp đồng lao động, có vào - có ra, có chính sách đãi ngộ hợp lý để nâng cao chất lượng và thanh lọc đội ngũ này.
Đó là tiến tới xóa bỏ chế độ công chức, viên chức giáo viên. Tuy nhiên trước mắt, sẽ tiến hành thí điểm chế độ hợp đồng lao động, có vào - có ra, có chính sách đãi ngộ hợp lý để nâng cao chất lượng và thanh lọc đội ngũ này.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng”.
Ngay lập tức, ý kiến của vị tư lệnh ngành giáo dục nhận được sự phản hồi từ dư luận và cả các nhà chuyên môn.
Trên báo Dân trí, nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với ý tưởng này và cho rằng, đây chính là tạo sự bình đẳng trong việc đối xử giữa những người có trình độ khác nhau, đặc biệt là sẽ hạn chế “chạy” viên chức đồng thời, là cơ hội để các giáo viên vùng sâu, vùng xa có thể đầu quân cho các trường ở các đô thị và thành phố lớn.
Song, đáng chú ý là tại cuộc tọa đàm trên Vietnam Net, sau khi lấy dẫn chứng từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ, GS Ngô Bảo Châu cho rằng việc này cần một sự thận trọng nhất định.
Ông Châu nói: “Xét trên bình diện thế giới thì hầu hết giảng viên đại học cỡ giáo sư là được biên chế… Thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người đi làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc. Thứ nữa là khi có biên chế, giáo sư cảm thấy mình là người chủ của nhà trường”.
Đặc biệt, GS Châu còn đề cập đến một khía cạnh khá nhạy cảm: “Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?”. Ông Châu nói.
Có lẽ không cần nhắc lại sau rất nhiều những cải cách, giáo dục Việt Nam vẫn đứng ở top dưới không chỉ với thế giới mà so với các nước trong khu vực. Đây không chỉ là sự thua thiệt, mất mát mà hơn thế, là nỗi đau và sự xấu hổ.
Nguyên nhân thì nhiều, song không thể không nói tới một khâu rất quan trọng, đó là chất lượng giáo viên của ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, nhất là tới đây, khi chương trình và sách giáo khoa mới được triển khai. Trong khi đó, có thầy cô giỏi chưa chắc đã có trò giỏi.
Vì thế, một cuộc cách mạng tổng lực về nhân sự đối với đội ngũ giáo viên là điều lúc này cần phải đặt ra. Để thu hút người có năng lực thực sự cần rất nhiều yếu tố, song có một yếu tố không thể bỏ qua chính là chế độ đãi ngộ, người lao động ít nhất phải sống được bằng lương. Vì thế, cái chi tiết "có chế độ đãi ngộ lớn" mà Bộ trưởng Nhạ đưa ra là rất quan trọng.
Trở lại với ý tưởng bỏ chế độ công chức, viên chức đối với giáo viên, cá nhân người viết bài này cho rằng đây không phải là phương án vẹn toàn, hoàn hảo song, cũng khó có phướng án nào khả thi hơn.
Đành rằng, cuộc cải cách nào cũng phải có sự mất mát. Người xưa có câu đại ý là hi sinh một người, cứu vạn người. Trong công cuộc này, chúng ta đành chấp nhận sự hi sinh lợi ích của một số người vì tương lai của cả dân tộc nhiều thế hệ chứ biết làm sao được? Chỉ mong rằng hãy có những chính sách hợp lý để đền đáp ít nhiều cho sự hi sinh này vì sự nghiệp chung…
Bùi Hoàng Tám