Một thông tin đáng mừng!

Bích Diệp

(Dân trí) - Trong cuộc "chạy đua với thời gian" để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19 đó, Việt Nam khẳng định không hề thua kém thế giới về trình độ y học.

Một thông tin đáng mừng! - 1

Sau 6 tháng nghiên cứu, Nanocovax trở thành loại vắc xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu tiền lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vắc xin Covid-19 "made in Vietnam" đầu tiên đưa ra thị trường.

Một thông tin thật sự rất đáng mừng!

Mừng vì trí tuệ Việt!

Mừng vì tinh thần Việt!

Không cần phải đề cập đến những con số thống kê vĩ mô, mỗi chúng ta đều cảm nhận rất rõ rệt tác động mà dịch Covid-19 gây ra cho đời sống kinh tế - xã hội trong suốt 1 năm qua. Một khi vẫn chưa có vắc xin áp dụng đại trà thì những rủi ro bùng dịch vẫn rình rập từng giờ từng phút.

Thế nên, việc hoàn thiện quy trình nghiên cứu tiền lâm sàng và từng bước thử nghiệm vắc xin này không chỉ là niềm vui, là sự tự hào mang giá trị tinh thần to lớn. Hơn cả thế, đó còn giá trị vật chất được đo đếm bằng rất nhiều tiền - rất nhiều tài sản, nhiều công ăn việc làm, là cơm ăn áo mặc cho hàng chục triệu dân trên cả nước. Thậm chí, còn đo đếm bằng cả sinh mạng con người!

Trong cuộc "chạy đua với thời gian" để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19 đó, Việt Nam khẳng định không hề thua kém thế giới về trình độ y học.

Nói thật là khi đọc thông tin công bố về Nanocovax, tôi thực sự ngỡ ngàng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà chuyên gia của chúng ta đã có thể tạo ra được loại vắc xin với triển vọng khả quan, đặc biệt chi phí cực kỳ thấp như vậy!

Theo TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển thuộc Công ty Nanogen: "Giá thành cho mỗi liều vắc xin khoảng 120.000 đồng. Nanocovax có tổng cộng 2 liều tiêm. Vậy một người sẽ mất khoảng 240.000 đồng để thực hiện chủng ngừa Covid-19". (Mức giá của vắc xin Covid-19 Sputnik V của Nga được đánh giá là rất rẻ cũng vào khoảng 20 USD tương ứng 460.000 đồng/2 liều).

Con số này dựa trên sự tính toán giá thành một cách kỹ lưỡng thông qua chi phí sản xuất, chi phí thử nghiệm lâm sàng và nhiều chi phí liên quan khác. Như vậy không phải là một mức giá vô thưởng vô phạt, đưa ra để… "nổ"?!

Mỗi lô Nanogen có thể sản xuất 600.000 liều vắc xin, tương đương với 10-12 triệu liều vắc xin mỗi năm và sẽ tiếp tục tăng quy mô để có thể sản xuất 50-70 triệu liều/năm.

Với các kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng rất khả quan, Nanocovax được kỳ vọng mang lại hiệu quả bảo vệ sẽ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới: Trên 90% người được tiêm có khả năng đáp ứng miễn dịch.

Thêm một điều đáng mừng là ngay sau khi có thông báo từ Học viện Quân y về việc tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, liên tục đã có những người đầu tiên "xung phong" đăng ký. Điều này bước đầu cho thấy sự tín nhiệm của người dân đối với vắc xin "made in Vietnam"!

Xin được gửi tới họ - những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, sự biết ơn và trân trọng. Bởi nếu không có họ sẽ không thể hoàn tất được quy trình đánh giá chất lượng, độ an toàn của Nanocovax, từ đó vắc xin mới sớm có cơ hội đến với mọi người.

Nếu thử nghiệm lâm sàng diễn ra thuận lợi, có thể ngay đầu tháng 5/2021 sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, sau đó sẽ đi vào sản xuất hàng loạt với công suất khoảng 30 triệu liều/năm (theo lời ông Hồ Nhân - Tổng giám đốc Nanogen).

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh: Việc thử nghiệm vaccine thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý mà còn phụ thuộc nhiều vào cộng đồng chung, toàn xã hội.

Chính bởi vậy, ngành y tế đang kêu gọi sự chung tay của xã hội, của người dân để có chương trình nghiên cứu an toàn, bảo đảm tính hiệu quả và có một sản phẩm vắc xin an toàn, hiệu quả phục vụ cho cộng đồng.

Ngoài Nanogen, Việt Nam còn 3 đơn vị khác tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC).

Cho dù mới thu được những những kết quả ban đầu và chưa ai dám chắc 100% thành công, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng và hi vọng…