Một thất bại "đau lòng" của công tác cán bộ!

(Dân trí) - Xin đừng để những "con lươn", "con chạch" lọt vào qui hoạch bởi một khi có quyền, có chức, chúng sẽ biến thành những con "cá sấu", "cá mập", "ăn không từ thứ gì" của nước, của dân.

Một thất bại đau lòng của công tác cán bộ!  - Ảnh 1.


Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành T.Ư 9 chiều 26.12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết:

"Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 5 đồng chí Uỷ viên T.Ư Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành T.Ư".

Đây là con số "chưa từng có", một "kỉ lục" rất buồn và đau lòng như tâm sự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: "Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới". Ông Trọng khẳng định.

Nhìn lại danh sách những cán bộ cao cấp bị kỉ luật, không thể nói là nghiêm trọng mà rất nghiêm trọng bởi trong số 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có tới 5 ủy viên Trung ương đương nhiệm cùng với hàng chục tướng lĩnh Công an, Quân đội và nhiều Đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, có cả một cán bộ thuộc hàng lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng - Ủy viên Bộ Chính trị. Và mới đây nhất là ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành Ủy TP HCM vừa bị khai trừ UV Trung ương.

Nguy hiểm hơn, hầu hết những khuyết điểm họ mắc phải đều xảy ra ở thời điểm trước năm 2016, tức là trước khi Đại hội Đảng lần thứ 12 diễn ra.     

Điều này cho thấy quyết tâm chống "giặc nội xâm" đến cùng của Đảng và Nhà nước, song, nó cũng nói lên một điều không thể nói khác, đó là sự thất bại của công tác chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 12 của Đảng. Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và công tác cán bộ là của Đảng nên Đảng phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót đó.

Câu hỏi đặt ra là vì sao xảy ra tình trạng này?

Lý do thì nhiều và theo người viết bài này có hai nguyên nhân chính, đó là lợi ích nhóm và nạn chạy chức, chạy quyền, chạy qui hoạch, chạy luân chuyển mà Nghị quyết của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng hơn một lần đề cập.

Vì lợi ích nhóm, họ lôi bè, kéo cánh đưa nhau vào qui hoạch và các bước tiếp theo. Vì có người "chạy" tức là có người nhận "chạy" nên họ mới luồn lách vào diện qui hoạch, luân chuyến…

Nhớ lại cách đây 3 năm, trả lời báo chí, ông Tô Huy Rứa khi đó là trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã khẳng định việc qui hoạch cán bộ đã được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc. Báo Tiền phong ngày 28.1.2015, bài "Quy hoạch, luân chuyển cán bộ: "Chạy" làm sao được" cho biết:

"Về việc tổ chức luân chuyển cán bộ trong quy hoạch, ông Rứa khẳng định được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nên chống lại tiêu cực, chống lại "chạy". "Làm sao mà có thể "chạy" được, 5, 6 cơ quan trên này với cả địa phương nữa. "Chạy" làm sao được", ông Rứa nói".

Tuy nhiên, việc "chạy" là "được" và có thật bởi nếu không có thì Nghị quyết Trung ương rồi TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính cũng như nhiều vị lãnh đạo khác đề cập đến làm gì?

Tóm lại, dù với bất cứ lý do gì thì việc chưa đầy 3 năm mà có tới hơn 60 cán bộ thuộc Trung ương quản lý bị kỉ luật (có thể con số chưa dừng ở đây) là một thất bại "đau lòng" của công tác cán bộ ở thời điểm vừa qua. Câu hỏi đặt ra, đó là qui trình có thật chặt chẽ không? Có hay không ai đó "chạy", tiếp nhận "chạy" và tiếp tay cho việc "chạy"?

Những câu hỏi này rồi đây sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, để không "Mất bò mới lo làm chuồng", thời gian vừa qua, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 9 vừa diễn ra, Đảng đã đề ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Xin đừng để những "con lươn", "con chạch" lọt vào qui hoạch bởi một khi có quyền, có chức, chúng sẽ biến thành những con "cá sấu", "cá mập", "ăn không từ thứ gì" của nước, của dân.


Bùi Hoàng Tám