Một sáng kiến để thu hồi tài sản từ tham nhũng

(Dân trí) - Nhiều hội thảo về tham nhũng đi đến kết luận, chưa đẩy lùi được tham nhũng, chỉ phát hiện xử lý được các vụ nhỏ và không thu hồi được tài sản từ tham nhũng.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đối với các vụ án tội chứng rành rành, số tiền tham nhũng được hội đồng xét xử nêu cụ thể trong bản án, nhưng trên thực tế, thu hồi được rất ít. Phá án tham nhũng nhưng không thu hồi được tài sản thì vẫn không được xem là chống tham nhũng thành công. Kẻ tham nhũng nếu có bị bắt bỏ tù (rất ít), cũng sẵn sàng ngồi chờ ngày về hưởng đống tài sản mà họ tích lũy. Chưa kể, ở tù mà lắm tiền thì cũng là “tù cha chú”, “tù sếp”, “tù đại gia”.

Tham nhũng có án còn chưa thu hồi được tài sản, huống chi những trường hợp sai phạm về kinh tế bị thanh tra phát hiện. Những sai phạm này chỉ ở mức có dấu hiệu tham nhũng, cho nên càng khó thu hồi tài sản để xử lý hậu quả. Chính vì điều đó, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ cho thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản đối với những trường hợp chây ì, không thực hiện quyết định xử lý hậu quả trong sai phạm về kinh tế.

Đề xuất này cần được xem xét, thực hiện trên cơ sở đảm bảo về tính pháp lý. Bởi vì trên thực tế, có nhiều vụ được thanh tra và có kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra nhưng đối tượng sai phạm không thực hiện kết luận xử lý của cơ quan thanh tra. Vậy thì thanh tra để làm gì khi kết luận đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Một trường hợp chây ì, nhiều trường hợp chây ì thì không chỉ là sự thất thoát tài sản mà quan trọng hơn là pháp luật bị xem thường. Một quốc gia mà luật không nghiêm thì không có nền tảng cho sự thịnh vượng.

Hãy xem, từ năm 2011 đến 2014, ngành thanh tra TPHCM thanh tra 951 cuộc và kết luận thiệt hại hơn 1.056 tỉ đồng, 135.000 m2 đất, 7 căn nhà. Nhưng thu hồi được 509 tỉ đồng và gần 45.000m2 đất. một nửa số tiền và 2/3 số đất còn lại không thu được phải tính cách nào nếu như không dùng biện pháp chế tài mạnh.

Nếu tính cả nước, chắc chắn sẽ có số tài sản rất lớn nằm trong vòng “dấu hiệu tham nhũng” đã được cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi nhưng không thu hồi được. Tính ra, số tiền thu hồi từ sai phạm kinh tế không biết có đủ nuôi bộ máy thanh tra toàn quốc hay không?

Có lẽ cũng cần nhắc lại, ngay cả vụ tham nhũng “khủng” của Phạm Thanh Bình (Vinashin) với số tiền khổng lồ nhưng đến ngày 18/4/2015, theo ông Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự “vẫn chưa thi hành án được đồng nào”, tức là một con số 0 tròn trĩnh. 

Thanh tra, thu hồi tài sản các vụ có dấu hiệu tham nhũng là một biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Không thu được tài sản, để tài sản đó trong tay của những kẻ đang có cơ hội tham nhũng thì chẳng khác gì tạo môi trường và “hoàn cảnh” cho tham nhũng.

Đề xuất của UBND TPHCM về phong tỏa tài khoản đối với những trường hợp chây ì không thực hiện xử lý hậu quả những vụ sai phạm kinh tế là một sáng kiến cần nghiên cứu áp dụng.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!