Một quyết định mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(Dân trí) - Đó là việc Thủ tướng đồng ý giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ do quỹ này không đảm bảo hiệu quả sau 5 năm hoạt động sau khi xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

Một quyết định mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - 1

Trước hết, phải khẳng định việc hình thành Quỹ là chủ trương đúng nhằm làm giảm chi Ngân sách nhà nước, mục đích để có tăng nguồn thu cho công tác bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, Hội đồng quản lý quỹ đã không thực hiện được như chủ trương đề ra.

Nguồn thu cho Quỹ tăng theo từng năm nhưng người sử dụng đường bộ hiện nay phải trả phí thêm cho hơn 70 dự án BOT và những dự án này không sử dụng nguồn của Quỹ bảo trì đường bộ.

Việc này khiến Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam, các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe, người dân… rất bức xúc vì vừa phải nộp quỹ bảo trì đường bộ, vừa phải trả tiền cho dự án BOT, phí chồng lên phí.

Quỹ có nguồn thu lớn (khoảng 10.000 tỉ đồng/năm) nhưng công tác bảo trì vẫn thủ công. Nhiều tuyến đường tồn đọng rác thải thường xuyên, cỏ mọc nhiều, vạch sơn đường, cột mốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn…Tình trạng công nhân quét đường bằng chổi, cắt cỏ bằng tay vá đường bằng xô chậu, cuốc xẻng thủ công…vẫn khá phổ biến.

Một trong những tồn tại trong hoạt động Quỹ bảo trì đường bộ hiện nay là thông tin thiếu minh bạch, nhiều hoạt động còn mù mờ, không được công khai…

Cách đây hơn 2 năm (5/2016) trên báo Giao thông, bài “Dân phải được biết Quỹ Bảo trì đường bộ sử dụng thế nào”, ông Trương Quang Nghĩa khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT đồng thời là chủ tịch Quỹ đã chỉ đạo phải đặt sự minh bạch thu chi, sử dụng Quỹ BTĐB lên hàng đầu để người dân biết đồng tiền của mình đóng vào quỹ được chi như thế nào, đang nằm ở đâu, sử dụng ra sao. Không để người dân hoài nghi về hiệu quả hoạt động của quỹ. Tuy nhiên đến nay, khi người dân muốn tìm hiểu về thông tin hoạt động của quỹ một cách chính thống, tập trung vẫn rất khó.

Với số tiền thu được cho Quỹ hơn 10.000 tỷ đồng/năm như vậy, nhưng ngay trên QL1, việc nâng cấp, sửa chữa chỉ mất vài trăm tỷ không được sử dụng nguồn từ Quỹ bảo trì, mà lại chỉ định nhà đầu tư trải nhựa, đặt trạm thu phí BOT. Vì vậy, chủ phương tiện đang phải đóng hai lần phí khi di chuyển trên đường, là phí bảo trì đường bộ và phí BOT là một trong nhiều ví dụ.

Chỉ với một số lý do trên, việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động và sẵn sàng gạt ra ngoài những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, đó là Hội đồng quản lý quỹ cần phải giải trình lý do vì sao hoạt động không hiệu quả suốt 5 năm qua? Ngân sách nhà nước (thực chất là tiền thuế của dân) bỏ ra để nuôi một bộ máy như vậy không thể không có ai chịu trách nhiệm khi hoạt động không hiệu quả.

Cần phải xem lại những danh hiệu (nếu có) mà tập thể, cá nhân ở đây được tặng thưởng. Bởi không thể để một đơn vị phải giải thể do không hoàn thành nhiệm vụ mà nhìn vào bảng thành tích lại “rực rỡ vàng son”.

Đặc biệt, cần thanh tra công tác sử dụng Quỹ xem có hay không sử dụng tiền sai mục đích, nhất là cái gọi là “núp bóng” duy tu, bảo trì đường bộ.

Không thể để thu tiền của dân về tiêu thế nào thì tiêu và cũng không thể để tình trạng làm được thì làm, không làm được thì… chuyển công tác.

Bùi Hoàng Tám