Một bài toán không dễ có đáp án thỏa đáng?
(Dân trí) - Kê khai tài sản, công khai tài sản, truy tìm nguồn gốc tài sản và thu hồi tài sản bất minh cho đến thời điểm này đã và vẫn là bài toán chưa có lời giải thật sự hữu hiệu. Theo các bạn, có biện pháp nào hữu hiệu để vừa đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, vừa thu hồi được khối tài sản không rõ nguồn gốc hiện đang được coi là rất lớn này?
Về kê khai tài sản, xin nói thẳng là chưa hiệu quả. Việc kê khai nhiều chỗ, nhiều nơi vẫn chỉ mang tính hình thức. Mỗi năm cả nước chỉ phát hiện vài ba trường hợp kê khai không trung thực trong số gần một triệu thuộc đối tượng kê khai đã nói lên điều đó.
Việc công khai tài sản lại mắc ở khâu bí mật tài sản cá nhân được luật pháp qui định.
Việc truy tìm nguồn gốc tài sản càng khó bởi các “lý giải” như “cô em họ tặng” hay “làm thối móng tay”…
Về tịch thu tài sản, chỉ có thể áp dụng khi đã chứng minh bằng pháp luật và phải được chứng minh tài sản đó là do bất minh mà có.
Trong khi đó, một thực tế là không ít quan chức giàu lên một cách khó lý giải mà hình như pháp luật đang… botay.com.
Đây là một thực tế và vấn đề là giải bài toán thế nào để thu hồi những khối tài sản còn “mập mờ” này cho Nhà nước?
Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ đó mà mới đây, Viện khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ đã đề xuất đánh thuế 45% những tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình nguồn gốc không hợp lý vào Luật Phòng chống tham nhũng.
Trả lời báo chí, tác giả chính của ý tưởng đánh thuế 45 % là ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra bày tỏ:
“Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Với các trường hợp khác, dường như pháp luật “bó tay”. Vì vậy, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua rất khiêm tốn”.
Ông Minh đề xuất: “Để tăng tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản, chúng tôi cho rằng, cần phải có những biện pháp linh hoạt. Đối với những tài sản chưa rõ về nguồn gốc thì phải có cách để làm sao thu được càng nhiều càng tốt. Việc đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý là phù hợp”.
Tuy nhiên ngay lập tức, ý tưởng này đã gặp phải sự phản ứng khá gay gắt từ dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội.
ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng “Nếu đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi. Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cũng bày tỏ: “Tôi đồng tình với quan điểm không thể xử lý bằng thuế được. Như thế vi phạm các quy định của luật khác, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền. Đánh thuế không được, vì đó không phải đối tượng chịu thuế. Nếu đánh thuế thì coi tài sản đó là hợp pháp?”.
Về quan điểm cá nhân, thành thật là người viết bài này rất băn khoăn. Như đã nói ở trên, việc tịch thu tài sản bất minh là đúng nhưng lại rất khó thực hiện bởi thực tế nhiều năm qua, việc truy thu tàu sản chỉ có thể thực hiện khi vụ việc đã có kết luận của tòa án. Song, việc này rất hạn chế và số tài sản thu hồi được thường là không đáng kể so với ngay cả mức hình phạt mà tòa án đã phán quyết.
Còn nếu thu thuế như đề xuất của Viện Khoa học Thanh tra thì vô hình chung, đã hợp pháp hóa cho khổi tài sản bất minh mà nói như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): “Tôi cho rằng, như vậy thực chất là sẽ vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền. Theo tôi, nếu không giải trình được thì phải thu thôi, chứ không có gì là không giải trình được”.
Theo các bạn, có biện pháp nào hữu hiệu để vừa đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, vừa thu hồi được khối tài sản không rõ nguồn gốc hiện đang được coi là rất lớn này?
Bùi Hoàng Tám