“Mong manh áo vải hồn muôn trượng”

(Dân trí) - Sơn La bỗng nổi lên trên các kênh truyền thông mấy hôm nay vì sự kiện đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc với tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng (theo lời ông Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La, đề án với khoản kinh phí dự kiến 1.400 tỷ đồng là bao gồm nhiều hạng mục, trong đó Tượng đài Bác Hồ chỉ 200 tỷ đồng)

 

“Mong manh áo vải hồn muôn trượng” - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư Đề án này và làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8 tới. Thông tin mới nhất, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, dự án xây dựng quảng trường Sơn La khác hoàn toàn với Quy hoạch danh sách các địa phương được ưu tiên xây dựng, tu bổ tượng đài Bác Hồ, tức là không nằm trong quy hoạch đã duyệt.

Trong tất cả những ý kiến phản ánh trên báo chí, chưa thấy bất cứ ý kiến nào đồng tình với đề án này, ngoài lãnh đạo của tỉnh Sơn La.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La nói gì, xin hãy nghe lời ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: “Việc này nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ”.

Sơn La có tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ, hoặc có sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm đồng bào, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, thì nhiều địa phương khác cũng có những sự kiện lịch sử khác. Để xây tượng Bác Hồ, không cần phải chứng minh điều gì, bởi vì chỉ nói tấm lòng của nhân dân là đủ, cho dù ở địa phương đó, Bác Hồ chưa một lần đặt chân tới.

Thừa Thiên - Huế cũng có sự kiện lịch sử Bác Hồ sống nhiều năm, đi học ở trường Quốc Học. Bình Thuận cũng có sự kiện lịch sử Bác Hồ sinh sống và dạy học tại đây một thời gian, nhiều tỉnh ở miền Bắc Bác đã từng đi thăm như Sơn La. Nếu tỉnh nào cũng xây quảng trường, tượng đài cả ngàn tỉ đồng thì lấy sức đâu mà làm, ngân sách quốc gia sẽ kiệt quệ.

Chắc chắn dưới chín suối, Bác Hồ sẽ không vui về điều này. Sinh thời, Bác Hồ có đời sống giản dị, sự vĩ đại  của Hồ Chí Minh không phải là lâu dài cung điện quyền uy vua chúa, mà sức sống trong lòng dân tộc.

Vì vậy, Bác Hồ chỉ vui khi có nhiều trường học cho trẻ em được học hành đàng hoàng, có nhiều bệnh viện hiện đại chăm sóc sức khỏe cho người dân, có nhiều con đường tử tế cho những vùng nông thôn, miền núi cách trở giao thông…

Người từng tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”

Bác Hồ chỉ vui khi Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Nhưng trong tất cả những điều Bác mong muốn, còn nhiều điều chúng ta chưa làm được, cần phải dành trí tuệ, tâm lực, tiền bạc, sức dân để hoàn thành. Bác Hồ đang mong chờ chúng ta làm được những điều đó, hơn là xây dựng tượng đài to lớn tốn kém tiền bạc trong khi dân còn nghèo, nước chưa mạnh.

Còn nhớ câu thơ của Tố Hữu viết về Bác Hồ, và có lẽ đây chính là tứ thơ tạc nên thần thái Hồ Chí Minh khái quát và sâu sắc nhất: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn”.

Vì vậy, “Hãy xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân” như lời của GS. Mạch Quang Thắng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!