Môi trường kinh doanh và "niềm tin tạm ứng"
(Dân trí) - Tuần trước, cuộc đối thoại của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều việc các bộ, ngành đã làm được sau 1 năm cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh của "Chính phủ kiến tạo".
Nhưng có những câu chuyện thực tế như chi phí kinh doanh vẫn tăng và mức quá cao so với nhiều nước cho thấy không phải tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu năm 2017 phải là "Năm giảm chi phí cho doanh nghiệp".
Còn nhớ, cách đây một năm, tại cuộc đối thoại lần thứ nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với giới doanh nghiệp trong nước, ngay sau khi ông nhậm chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị: "Chúng ta cần ứng trước niềm tin". Phát ngôn đó thể hiện tâm trạng của nhiều DN, khi ở thời điểm đó, niềm tin của họ cũng giảm sút khá nhiều khi sau các Nghị định cùng số 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) ban hành trong các năm 2014, 2015 chưa giúp VN nâng cao nhiều vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh.
Trong hơn một năm qua, nếu nhìn vào các con số, quả thực, Chính phủ mới cũng đã làm khá nhiều việc để cải thiện MTKD. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với việc Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã có hàng loạt thủ tục, giấy phép kinh doanh được cắt bỏ, sửa đổi.
Bộ Công Thương đã bãi bỏ, sửa đổi một số quy định về kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu mà khối doanh nghiệp dệt may bức xúc cao độ mấy năm trước. Bộ Xây dựng cũng cho biết, đã rà soát, hoàn thành đơn giản hóa đạt tỷ lệ 95%, 85%; sửa đổi về cấp phép xây dựng, phân cấp mạnh cho các địa phương, giảm tải lượng dự án đưa về bộ xử lý.
Các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nhân cũng nhận thấy trong các bộ, Bộ Tài chính chuyển động khá mạnh với việc đẩ mạnh áp dụng cơ chế kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã tại 63 cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với năm 2015. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết, ngành thuế sẽ tiến tới ứng dụng hóa đơn điện tử cho tất cả doanh nghiệp nhằm giảm nhũng nhiễu.
Những chuyển động đó là lý do vì sao năm 2016, Việt Nam đã tăng 9 bậc về vị trí xếp hạng MTKD để lên vị trí 82/190 quốc gia, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại VN cũng cho biết tỷ lệ ý kiến cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng mạnh.
Như vậy, có thể nói, sau một năm, "niềm tin ứng trước" cho khối doanh nghiệp cũng đã được trả phần nào. Tuy nhiên, nhìn vào một số con số về chi phí kinh doanh mà VCCI nêu ngay ở cuộc đối thoại với Thủ tướng, không thể không giật mình.
Cụ thể, một khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, có đến 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận phải trả những khoản "chi phí không chính thức". Có 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn năm năm trước.
Cũng theo báo cáo trên, lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.
Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore). Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4-5%; mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10%.
Một con số đáng chú ý khác là năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110.000 doanh nghiệp; tuy nhiên cũng có tới hơn 73.000 đã ngừng hoạt động hoặc giải thể. Con số đó cũng phản ánh MTKD tuy đã được cải thiện ít nhiều về thủ tục nhưng còn quá nhiều khó khăn.
Ngay trong cuộc đối thoại của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, cũng có không ít doanh nghiệp phản ánh trực tiếp khó khăn của mình. Như "bầu" Đệ phản ánh việc chính quyền Hải Phòng "bẻ kèo" khi kêu gọi ông đầu tư 50 tỷ đồng làm bến xe nhưng không thực hiện cam kết.
Một doanh nghiệp khác phản ánh nguyện vọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hòa Bình nhưng suốt một năm có tới gần 100 văn bản từ cấp địa phương tới trung ương nhưng không giúp doanh nghiệp này tiếp cận, có mặt bằng đất đai để sản xuất.
Chắc chắn, sau gần một ngày làm việc trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp và các bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hiểu rõ những vấn đề trên. Cho nên, ngay phần kết luận cuộc họp, ông đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay nhiều biện pháp để 2017 phải là năm "giảm chi phí cho doanh nghiệp".
Và một trong những việc làm đầu tiên, được ban hành ngay trong ngày là yêu cầu các cơ quan công quyền không được để thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trùng lắp bởi đây là một trong những nổi khốn khổ của phần lớn doanh nghiệp trong thời gian qua.
Những khoản chi phí kinh doanh quá lớn, có tên và không tên như đã nêu ở trên dĩ nhiên không thể dễ dàng giảm được trong ngày một ngày hai. Và có lẽ, cộng đồng doah nghiệp vẫn phải kéo dài khoản tạm ứng, cho niềm tin vào những hoạt động cải cách, cải thiện MTKD của Chính phủ nhiệm kỳ này.
Mạnh Quân