Mỗi nhà máy, xí nghiệp phải là một "pháo đài" phòng, chống Covid-19
(Dân trí) - Khác với trước, dịch Covid-19 đang tấn công dồn dập các khu công nghiệp, số ca mắc tăng từng giờ. Vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất thời điểm này là thách thức lớn với các nhà máy, địa phương.
Có thể nói chưa bao giờ dịch Covid-19 lại hoành hành như thời điểm này tại nước ta. Số địa phương có ca mắc Covid-19, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng từng ngày, thậm chí từng giờ.
Lần này, Covid-19 tấn công vào các khu công nghiệp - nơi tập trung đông lao động và là xương sống của nền kinh tế nhiều địa phương.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin: Tính đến 20h ngày 16/5, cả nước đã có 366 ca mắc Covid-19 là công nhân lao động ở các doanh nghiệp và Khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ và Đà Nẵng.
Trong đó, Bắc Giang nhiều nhất với 310 công nhân mắc Covid-19, thuộc 3 doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu (huyện Việt Yên). Đến trưa 17/5, xuất hiện thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang).
Khu công nghiệp là nơi có mật độ công nhân cao, việc xuất hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 là một thách thức lớn đối với công tác khoanh vùng, truy vết và dập dịch.
Khống chế, ngăn chặn dịch lây lan trong các khu công nghiệp, cũng như các địa phương lân cận đang được các ngành chức năng và chính quyền sở tại triển khai quyết liệt.
Cùng với nỗ lực tại chỗ, các tỉnh có khu công nghiệp ghi nhận ca mắc Covid-19 đang được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ Bộ Y tế và các địa phương khác, cả về đội ngũ y bác sỹ lẫn thiết bị y tế.
Bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19 nóng bỏng và gấp gáp, việc duy trì hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất của các khu công nghiệp - vốn được xem là xương sống của nền kinh tế các địa phương cũng hết sức quan trọng.
Chúng ta đang bước vào giai đoạn chống Covid-19 mới với tinh thần chủ động tấn công để đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội.
Nền sản xuất vừa gượng dậy vì Covid-19, nếu không có kịch bản cụ thể để duy trì thì "mục tiêu kép" sẽ khó khăn.
Trở lại với tỉnh Bắc Giang - nơi có số khu công nghiệp với số công nhân mắc Covid-19 lớn nhất cả nước tính đến thời điểm này. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và ổn định sản xuất, phát triển kinh tế là điều không hề dễ dàng.
Để thực hiện "mục tiêu kép", tỉnh Bắc Giang đang xem xét cho dừng hoạt động các công ty không đủ điều kiện về phòng, chống dịch. Lãnh đạo tỉnh này khẳng định không đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, nhưng đóng cửa một số khu công nghiệp nhỏ.
Cùng với đó, tỉnh này cũng tổ chức đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đối với toàn bộ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để xem xét, quyết định doanh nghiệp nào được tiếp tục hoạt động và doanh nghiệp nào phải tạm dừng hoạt động.
Như vậy, được phép hoạt động hay phải tạm dừng do chính các doanh nghiệp tự mình quyết định bằng các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại đơn vị. Hay nói cách khác, chính người lao động và các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với sự sống còn của chính mình.
Cùng với tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, một số doanh nghiệp đã thành lập tổ an toàn Covid-19 để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào các nhà máy, xí nghiệp. Trong tình hình hiện tại, các phương án phòng, chống Covid-19 này cần phải được triển khai rộng khắp các khu công nghiệp ở tất cả địa phương trên cả nước. Mỗi nhà máy, xí nghiệp phải là một "pháo đài" phòng, chống Covid-19.
Khi mỗi công nhân an toàn, mỗi nhà máy an toàn, từng khu công nghiệp an toàn trước dịch bệnh, "mục tiêu kép" mới có thể thành công.