Mối lo “giữ lễ” của ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng

(Dân trí) - Khi người dân phản ánh thì những thông tin đó có được xử lý không? Rồi xử lý có rốt ráo không? Có “đúng người, đúng tội” hay lại “phê bình, khiển trách” và cuối cùng trở về điệp khúc “ghi nhận”, “kính chuyển”… với “đúng qui trình”?

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một thông tin rất vui trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, đó là máy điện thoại trong đường dây trực của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt đổ chuông liên hồi.

Ngày 12/12, trên báo Dân trí, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt đã công bố công khai 3 số máy để tiếp nhận thông tin tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là 2 số máy di động 0902.386.999 và 0125.698.6688 và số máy cố định 080. 48228.

Ông Cục trưởng cho biết máy di động được mở 24/24h, trừ trường hợp bất khả kháng. Riêng số máy cố định nhận phản ánh trong giờ hành chính. Ngoài ra, Cục trưởng Đạt còn công khai email: Cucchongthamnhung@thanhtra.gov.vn để người dân phản ánh.

Nói là tin mừng bởi thứ nhất, từ nay người dân có thể liên lạc liên tục với người trực tiếp đứng ra giải quyết sự việc, không còn lặp lại bài ca “kính chuyển”, “kính chuyển” và… “kính chuyển”.

Mừng thứ hai, theo Cục trưởng Đạt, đường dây nóng mới mở nhưng đã có khoảng 160 cuộc gọi. Một bài báo đã tả lại không khí “nóng bỏng” của đường dây nóng qua lời đối thoại của ông Đạt:

“Đấy, người dân đang tố cáo tham nhũng đấy, ngày nào cũng “cháy” máy liên tục từ sáng đến đêm. Hai giờ đêm cũng có người gọi rồi, 6h sáng, khi tôi chưa kịp làm vệ sinh cá nhân cũng đã có người gọi điện tố cáo... tham nhũng. Tí nữa còn một chồng tài liệu người dân gửi mang về nhà xử lý”, ông Đạt nói nhanh rồi lại “alo! xin nghe… tham nhũng… ở đâu… cảm ơn”.

Thật ra, nếu nói “mừng” khi nhận nhiều thông tin về tham nhũng có gì đó không hợp lý. Ai lại mừng khi mà tham nhũng, tiêu cực “nóng bỏng” bao giờ?

Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, đó là lâu nay, không ít người dân hình như đã chấp nhận “tham nhũng như một điều tất yếu” của đời sống xã hội nên xác định sống chung với nó như “sống chung với lũ”.

Có thể họ đã chán nản vì biết rằng sự việc có được phát hiện, tố cáo cũng không hoặc ít được xử lý nên nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cách đây ít lâu: “Hay người ta chán rồi!”. Vậy nên, nói “mừng” là ở cái ý đó.

Vấn đề bây giờ là làm sao để đường dây luôn “nóng” và đây có lẽ mới là “mối lo” lớn của ông Cục trưởng Đạt.

Người xưa có câu, “Dẫn lễ thì dễ, giữ lễ là khó”. Muốn “giữ lễ”, điều đầu tiên là đường dây nóng phải thông suốt 24/24 và phải 365/365 ngày. Không để đường dây nóng trở thành “bệnh hình thức” đang khá phổ biến hiện nay. Đã có hàng trăm “điện thoại nóng” mà Bộ Y tế kiểm tra nằm trong diện “Số máy bạn gọi đang bị… “xếp xó” như lời một bài báo.

Vấn đề quan trọng thứ hai, khi người dân phản ánh thì những thông tin đó có được xử lý không? Rồi xử lý có rốt ráo không? Có “đúng người, đúng tội” hay lại “phê bình, khiển trách” và cuối cùng trở về điệp khúc “ghi nhận”, “kính chuyển”… với “đúng qui trình”? Thậm chí, liệu có thông tin lại cho người dân về phương cách và kết quả xử lý thông tin đó hay chỉ “nhận” đó rồi thôi?

Tất nhiên, để làm được những việc này là một khối lượng công việc khổng lồ và cần một quyền lực cũng không kém. Do đó, không chỉ cần một sự tận tâm mà phải “tay chém, vai vác”, làm được và được làm.

Mới đây, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho biết: “Người ta nói thế, tôi bảo tôi ghi nhận cái đó để phòng ngừa, nhưng đề nghị các bác, các anh chị có tài liệu nào, ghi âm, quay phim, hóa đơn,... thì gửi thêm cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ phối hợp, giao cơ quan khác liên quan, thậm chí lãnh đạo địa phương xử lý”.

Trong câu nói trên của ông Đạt, vẫn thấy xuất hiện những từ như “ghi nhận”, “phòng ngừa”, “phối hợp”, “giao cho”… và những từ quen quen như “hãy gửi… cho chúng tôi”.

Đây là yêu cầu quá khó với người dân bởi họ không có kỹ năng, phương tiện và cũng không có chức năng, nhiệm vụ làm việc đó mà chỉ phản ánh hiện tượng để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Lại ngạc nhiên hơn khi “một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Kon Tum. Đà Nẵng lại ít. Và các tỉnh miền núi trung du phản ánh nhiều” như lời ông Đạt.

Phải chăng, những thành phố lớn ít tham nhũng, tiêu cực (như báo cáo không phát hiện tiêu cực, tham nhũng của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua) hay tại người ta quen rồi, chán rồi!?

Bùi Hoàng Tám