Mơ ngày trở lại Ukraine - cả gia tài của tôi đang ở đó!
(Dân trí) - Và một ngày xung đột chấm dứt, hi vọng là sớm thôi, chúng tôi sẽ quay lại Ukraine và gây dựng lại từ đầu...
1. Khoảng 5h sáng ngày 24/2, đang mơ ngủ tôi bỗng giật mình bởi một tiếng "uỳnh". Chưa kịp hiểu chuyện gì thì một tiếng nổ nữa vọng lại. Dự cảm không lành, tôi quơ tay tìm điện thoại. Những dòng tin tức được cộng đồng người Việt khắp Ukraine cập nhật khiến tôi choáng váng: Xung đột giữa Nga và Ukraine đã xảy ra, rất gần nơi chúng tôi ở. Chồng tôi về nước ăn Tết chưa sang...
Năm 2007, tôi theo chồng sang thành phố Odessa sinh sống, anh sang trước tôi 7 năm. Hai vợ chồng có một cửa hàng kinh doanh quần áo tại chợ 7KM - một khu buôn bán sầm uất của người Việt Nam tại Ukraine. 15 năm chung lưng đấu cật, chúng tôi đã mua được nhà cửa, xe cộ và lo cho 3 đứa con ăn học. 15 năm ở Odessa, tôi chưa từng nghĩ bom đạn có ngày lại rơi gần mình đến thế. Toàn bộ vốn liếng đổ vào hàng, ngót nghét 70.000 USD chưa thu hồi được đồng nào.
Trời sáng, dòng người đổ về siêu thị, cửa hàng thuốc đông nghịt. Tôi cố gắng vơ được những cái mà mình cho là cần thiết rồi vội vã trở về. Chồng tôi gọi điện sang, anh ấy khóc, lo lắng và bất lực vì không thể bay sang đây. Trong loạn lạc, nếu cả nhà ở bên nhau thì vẫn hơn. Tôi lo cho mình, lo cho con, nhưng cố gắng động viên chồng và bố mẹ già, rằng tình hình vẫn ổn. Tôi nói những điều chính mình cũng không dám tin, khi tiếng bom, tiếng đạn pháo đã rít rất gần.
Lũ trẻ ngơ ngác. Chỉ sau một đêm, chúng nhận được thông báo trường học đóng cửa. Chúng tôi kéo nhau xuống tầng hầm, nơi rất nhiều gia đình cả người Việt, người Ukraine đang tá túc. Tầng hầm thông thống gió lùa, lò sưởi được bật lên nhưng không thể xua được cái rét mùa đông "thấu da thấu thịt". Nếu cứ ngủ dưới tầng hầm lũ trẻ sẽ ốm mất. Tôi lùa 3 đứa nhỏ lên nhà, may nhà tôi ở tầng thấp, nếu có báo động, 4 mẹ con hi vọng vẫn chạy kịp xuống hầm trú ẩn.
Những giấc ngủ chập chờn. Dù nửa đêm hay gần sáng, tôi choàng dậy khi còi báo động vang lên. Đứa lớn giúp tôi đánh thức các em dậy, khoác cái áo ấm hay cái chăn, 4 mẹ con lao ra khỏi nhà. Cứ liên tục 5 ngày đêm như thế. Tôi mệt mỏi, sợ hãi, đầu óc căng ra.
2. Rời khỏi đây biết còn có thể quay lại không? Toàn bộ nhà cửa, xe cộ, hàng hóa... tài sản ngót 20 năm gây dựng trên đất khách quê người!... 3 đêm suy nghĩ, trong tiếng bom đã rất gần, tôi quyết định phải chạy khỏi đây, càng xa, càng tốt.
Nhóm của chúng tôi 60 người, chỉ kịp mang theo quần áo rất ấm cho lũ trẻ, chui vào 11 chiếc xe ô tô rời thành phố Odessa sáng 1/3. May tôi còn một ít tiền mặt. Nếu đi đường lớn, đến biên giới Moldova khoảng 120 cây nhưng chúng tôi quyết định đi đường tắt, ngắn hơn 50 km và khó đi. Bây giờ, điều cần nhất là nhanh chóng rời khỏi đây.
Mắt tôi nhòe đi, khi tòa nhà nơi vợ chồng gom góp mua hồi năm 2009, khi con gái đầu mới hơn một tuổi, lùi lại phía sau. Tất cả tương lai và hi vọng, tất cả ký ức đẹp đẽ và bình yên đã lùi lại phía sau...
Mẹ ơi, tại sao mình lại phải đi? Bao giờ mình quay về nhà? Khi nào con đi học trở lại?. Con muốn gặp Nhina. Nhina là bà vú của 3 đứa con tôi. Nhina, hay bất cứ người Ukraine nào tôi đã gặp đều rất tốt và thực lòng đối đãi với những người ngoại quốc đến đây lập nghiệp. Tôi muốn bà đi cùng với gia đình tôi, ở lại quá nguy hiểm. Nhina lắc đầu: "Đây là quê hương tôi. Sống hay chết, tôi cũng phải ở lại". Nếu một ngày quay lại đây, hi vọng Nhina vẫn ở đó, nở nụ cười hồn hậu chào đón tôi và lũ trẻ...
Chúng tôi đi qua những điểm tiếp tế của người Ukraine và người Việt Nam. Họ giúp đỡ chúng tôi, từ thực phẩm, quần áo ấm cho bọn trẻ, và thậm chí cả tiền. Nếu xung đột kéo dài, chắc chắn họ phải tiếp tục đối mặt với nguy hiểm và thiếu thốn nhưng họ vẫn dành những thứ tốt nhất cho đoàn người chạy nạn, cho dù không cùng chung gốc gác nguồn cội.
Đoàn xe nhích dần sát biên giới. Sau 3 tiếng đồng hồ chờ làm thủ tục trong cái rét thấu da thịt, chúng tôi chính thức đặt chân sang Moldova.
Mọi hiểm nguy đã ở sau lưng, và tất cả những gì vợ chồng tích góp cả đời, cũng ở lại phía bên kia biên giới...
Sau 3 ngày ở Moldova, chúng tôi được đón lên 2 chiếc xe bus, tiếp tục di chuyển sang Rumani. 10 người, cả người lớn và trẻ em, được bố trí ở trong căn phòng rộng 9m2, có lò sưởi, có nước nóng, có nhà vệ sinh khép kín. Đối với những người tị nạn như chúng tôi, đây hẳn là một đặc ân mà Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani và các tổ chức tình nguyện dành cho. Dưới sự giúp đỡ của một tình nguyện viên, tôi đăng ký và may mắn có mặt trên chuyến bay đầu tiên đưa người Việt Nam ở Ukraine về nước.
Sau nhiều tiếng vật vạ ở sân bay và 11 tiếng đồng hồ trên phi cơ, 11h25 ngày 8/3, chúng tôi đặt chân về Việt Nam. Giây phút đặt chân về quê mẹ, sau 7 năm đằng đẵng, bằng cách không thể ngờ này, tôi chỉ biết khóc. Khi chồng tôi bước tới, ôm lấy 4 mẹ con tôi mới tin, chúng tôi đã thực sự an toàn.
Rời Ukraine là một quyết định khó khăn, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào. Trở về Việt Nam là điều duy nhất lúc đó tôi nghĩ đến. Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn khi được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là Chính phủ và các đại sứ quán. Thực sự tôi không nghĩ Chính phủ phản ứng nhanh đến thế để đưa chúng tôi về nước, miễn toàn bộ chi phí.
Về đến Việt Nam, tôi nhận được điện thoại của một cán bộ ở phường Bến Thủy (TP Vinh, Nghệ An), thông báo sẽ hỗ trợ để các con tôi tiếp tục đến trường và tôi có thể liên hệ bất kỳ lúc nào cần giúp đỡ. Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn tới Chính phủ, tới tất cả mọi người, các cơ quan chức năng đã giúp chặng đường trở về của mẹ con tôi, và của hàng nghìn người Việt Nam ở Ukraine được rút ngắn, an toàn hơn.
Lệch múi giờ và mệt mỏi, sợ hãi khiến tôi không ngủ được. Tôi nhớ cảnh sáng dậy giục các con ăn sáng rồi đến trường. Chiều tan chợ, chúng tôi vội vã trở về, đón các con, cho con ăn vội cái gì đó để đến lớp học thêm. Nhưng những điều đó giờ đã trở thành quá khứ, không biết đến bao giờ mới trở lại.
3. Chúng tôi không biết nguyên nhân sâu xa xung đột giữa hai nước là gì nhưng mất mát, đau thương là có thật, nó hiện hữu trước mặt... Tôi và chắc chắn là tất cả người dân Ukraine đều mong sớm chấm dứt cảnh bom đạn bắn phá. Chúng tôi chỉ là những người dân bé nhỏ, mong muốn yên ổn làm ăn và hài lòng với những tất bật của cuộc sống. Tôi thất vọng khi sau nhiều vòng đàm phán, Nga và Ukraine vẫn chưa thể đi đến thống nhất một lệnh ngừng bắn. Điều đó có nghĩa là nhiều gia đình vẫn tiếp tục li tán, các thành phố, làng mạc, bệnh viện, trường học bị tàn phá... và con đường quay trở lại Ukraine của chúng tôi cũng xa vời hơn.
5 người Việt Nam tình nguyện ở lại trông coi tài sản cho cộng đồng người Việt ở khu Làng Sen thông báo đến thời điểm này nơi chúng tôi ở vẫn đang an toàn. May mắn thì thành phố cảng Odessa của tôi nằm ngoài vùng chiến sự, nhà cửa vẫn còn.
Và một ngày xung đột chấm dứt, hi vọng là sớm thôi, chúng tôi sẽ quay lại Ukraine và gây dựng lại từ đầu...
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (TP Odessa, Ukraine)