Luật pháp không thể là “đường cong mềm mại”!

(Dân trí) - Sự việc đúng – sai sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Mong rằng khi đó, sẽ có một kết luận nghiêm minh, đúng người, đúng tội để không chỉ nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật mà còn có tính cảnh tỉnh, răn đe cho những ai cố tình vi phạm Luật giao thông.

Luật pháp không thể là “đường cong mềm mại”! - 1

Cách đây 2 năm (19/11/2016), tại Km 40 + 800 đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên (địa phận xóm Sứ, Tân Hương, Phổ Yên, Thái Nguyên) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa một xe ô tô đầu kéo và một xe ô tô Innova khiến 4 người chết và 6 người bị thương. (Xin chia buồn với gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn này)

Sau đó tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án đã phạt bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova đi lùi trên đường cao tốc) 10 năm tù, bị cáo Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container đâm trúng xe Innova) 8 năm tù.

Vừa qua, TAND tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa phúc thẩm, theo đó bị cáo Sơn được giảm từ 10 năm xuống 9 năm và bị cáo Hoàng giảm từ 8 năm xuống còn 6 năm tù.

Ngay lập tức, kết luận của phiên tòa này đã vấp phải sự phản ứng khá mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều luật sư và cả UBAT GT Quốc gia đã vào cuộc.

Sáng 5/11, trao đổi với PV Dân trí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, cơ quan này đã yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên gửi hồ sơ để xem xét bản án 6 năm tù đối với tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng.

Vì sao bản án lại bị dư luận phản ứng mạnh mẽ như vậy?

Qua thông tin từ báo chí cho biết, việc khám nghiệm hiện trường và giám định tài xế cho thấy bị cáo Sơn đã vi phạm nhiều lỗi khi điều khiển xe cơ giới. Cụ thể là thứ nhất, chở quá số người qui định. Thứ hai, có nồng độ cồn trong cơ thể và thứ ba, lùi xe trên đường cao tốc.

Ngược lại, bị cáo Hoàng đi đúng làn đường, dưới tốc độ cho phép 62/80km, không sử dụng bia rượu và chở dưới tải trọng.

Dư luận còn phản ứng còn bởi cái qui định gọi là “làm chủ tốc độ” mơ hồ, khó định lượng, thế nào là làm chủ tốc độ và thế nào bị coi là không làm chủ tốc độ? Rồi làm sao giữ được khoảng cách an toàn khi mà có một phương tiện khác cứ nhằm thẳng đầu mình mà… lùi.

Có thể chỉ một thời gian rất ngắn nữa thôi, sự việc sẽ được làm sáng tỏ khi TAND TC đã rút hồ sơ để xem xét.

Song, trong thực tế, cách hành xử không chỉ của dư luận mà nhiều khi, với cả cơ quan luật pháp của ta thường mang tính “bênh” người yếu thế.

Ví dụ như ô tô va chạm với xe máy, lỗi thường “nghiêng” về phía tài xế ô tô. Xe máy va chạm với xe đạp, lỗi “ngả” về phía người đi xe máy và xe đạp va chạm với người đi bộ thì lỗi ắt thuộc người đi xe đạp…

Thậm chí xe ô tô va chạm vào vật nuôi như trâu, bò thả rông trên đường quốc lộ thì lỗi vẫn thuộc về tài xế xe ô tô.

Lối tư duy này không chỉ trái với nguyên tắc đúng – sai của luật pháp mà còn làm cho tình trạng giao thông trở nên rối tinh, rối mù, bất chấp qui định.

Trở lại với vụ tai nạn tại Thái Nguyên, nếu như với những gì báo chí phản ánh thì lỗi có thể hoàn toàn thuộc về tài xế Ngô Văn Sơn. Và nếu đúng với những lỗi bị cáo Sơn đã mắc, theo những gì người viết bài này được biết, tại nhiều quốc gia, bị cáo Hoàng không những không vi phạm mà còn có quyền khởi kiện bị cáo Sơn vì đã gây tai nạn cho mình. Tại vụ án này, bị cáo Sơn phải trả cái giá bằng 9 năm tù và bồi thường tài sản.

Tuy nhiên cũng cần nhắc lại, đúng – sai sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Mong rằng khi đó, sẽ có một kết luận nghiêm minh, đúng người, đúng tội để không chỉ nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật mà còn có tính cảnh tỉnh, răn đe cho những ai cố tình vi phạm Luật giao thông.

Chợt nhớ lại cách đây không lâu, trong mục An tòan giao thông vào mỗi buổi sáng của VTV1, người phát thanh viên thường nói đại để rằng mỗi ngày cả nước có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông (số liệu thời điểm đó) và điều đó có nghĩa rằng có hơn 30 số phận ra đi và mãi mãi không được trở về căn nhà thân yêu của mình…

Vì vậy, luật pháp phải nghiêm minh và thẳng tưng chứ không thể là “đường cong mềm mại”!

Bùi Hoàng Tám