Lòng tự trọng của một người thầy
(Dân trí) - Thầy Phan Thanh Nguyên – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Trà Vinh tự nhận hình thức kỷ luật là xin từ chức sau vụ một nữ sinh của trường bị đánh hội đồng.
Cần lưu ý, khi vụ việc xảy ra, hiệu phó Võ Thanh Tú là người trực, nhưng thầy hiệu trưởng tự thấy mình là người chịu trách nhiệm cao nhất nên nhận trách nhiệm cao nhất.
Thông thường, khi có sự cố tiêu cực xảy ra ở một đơn vị, người ta đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho tập thể hoặc đổ lỗi cho vô số nguyên nhân khách quan để không ai là người có lỗi. Đặc biệt, người đứng đầu tìm đủ mọi cớ để trốn trách nhiệm, ví dụ như phiên đó tôi không trực, tôi đi vắng, tôi bận họp, tôi đi công tác, tôi đã chỉ đạo…Trường hợp thầy Phan Thanh Nguyên thì ngược lại, không đổ lỗi cho bất cứ ai. Trước hết, thầy là tấm gương cho đồng nghiệp, cho học sinh của nhà trường, và qua đó là tấm gương cho những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục. Nhìn từ thực tế, đã có nhiều vụ học sinh đánh nhau, có trường hợp học sinh bị đâm chết, nhưng chỉ có vài trưởng hợp hiêu trưởng xin từ chức.
Phải thấy rằng, hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên từ chức là đúng. Vấn đề không phải là chịu trách nhiệm về vụ đánh hội đồng một nữ sinh vừa xảy ra, mà chịu trách nhiệm về đạo đức của học sinh. Nhà trường đã giáo dục chưa tốt, cho nên mới có những học sinh vô kỷ luật, có hành vi côn đồ, bạo lực. Nếu nhà trường giáo dục tốt, thì sẽ không có những học sinh như vậy. Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề, thì sẽ còn nhiều vụ tương tự.
Nghề giáo là nghề “trồng người”, nghề cao quý cho nên rất cần những con người có phẩm giá cao quý như thầy Phan Thanh Nguyên. Qua vụ việc này, cho thấy có thêm một tấm gương sáng của lòng tự trọng nghề nghiệp trong ngành giáo dục.
Cho dù UBND thành phố Trà Vinh không đồng ý cho thầy Phan Thanh Nguyên từ chức mà chỉ đình chỉ công tác một tháng, thì hành động của thầy chứng minh một điều, Việt Nam có trường hợp dám từ chức, Việt Nam có văn hóa từ chức, Việt Nam có những con người tự trọng và dám chịu trách nhiệm bằng cách từ bỏ chiếc ghế của mình đang ngồi.
Sẽ có ý kiến cho rằng, chức hiệu trưởng của một trường trung hoc cơ sở chẳng đáng gì, nên mới dễ dàng từ chức. Tất nhiên chức càng cao, quyền lực và quyền lợi lớn sẽ khó ai dám vứt bỏ, nhưng dám từ chức dù ở cương vị nào cũng đáng được tôn trọng. Với người tham danh tham lợi, cái chức “hẻm trưởng” cũng tham.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!