Lời xin lỗi của ông Viện trưởng và “Tiền thuế của mình đâu?”

(Dân trí) - Khi có sai sót, rất cần một lời xin lỗi. Nhưng điều mong muốn hơn cả là hạn chế tối đa sự sai sót. Cũng xin gửi tới ông Viện trưởng câu hỏi, chẳng lẽ những người làm tổn hại ngân sách 7,2 tỉ đồng chẳng lẽ lại không phải chịu dù chỉ một xu?

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trước hết, xin nói về lời xin lỗi của ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chiều 5/6, tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Quốc hội, người đứng đầu ngành kiểm sát đã xúc động nói:

“Dẫu còn một vụ án oan chúng tôi cũng đau như người dân. Do vậy thay mặt lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi người bị oan và gia đình người bị oan… Chúng tôi biết rằng, làm hàng chục ngàn vụ án chưa chắc đã có thành tích nhưng chỉ cần một vụ oan, sai là thành khuyết điểm. Chúng tôi nhận thức rõ điều đó và áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế oan sai, loại trừ bức cung nhục hình”.

Đây là lời xin lỗi thành thực và đau xót bởi so với tổng số hơn 219.000 vụ khởi tố, điều tra, số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm là 71 trường hợp (chiếm 0,02%). Đây là tỉ lệ không lớn nhưng ở lĩnh vực này, đúng như lời ông Bình nói chỉ một vụ thôi cũng đã là không được, nhất là đối với loại án nghiêm trọng, mức hình phạt cao nhất là tính mạng con người như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn.

Cùng thời điểm này, một tin rất vui và cũng rất không vui, đó là ông Nguyễn Thanh Chấn đã được bồi thường (ông Chấn cũng đã đồng ý nhận) số tiền 7,2 tỉ đồng.

Nói là rất vui bởi với cá nhân ông Chấn, chân lý cuối cùng đã về với “người tù nhân đặc biệt” này. Xin chúc mừng ông.

Nhưng cũng rất buồn bởi thế là chỉ vì hành động sai trái của một nhóm người, ngân sách Nhà nước mất đi 7,2 tỉ đồng. Số tiền có thể xây được ít nhất 7 ngôi trường, bắc được 7 cái cầu hay giúp được hàng ngàn hộ dân xóa đói giảm nghèo, hàng vạn học sinh có được suất học bổng tiếp sức đến trường.

Không chỉ buồn mà còn xót xa vì nói là “nhà nước đền bù” nhưng nhà nước đâu có làm ra tiền? Tiền đó là tiền đóng thuế của dân.

Và hơn cả sự xót xa là có gì đó như bất công bởi những người làm nên sự oan trái cho ông Chấn chỉ bị xử lý hình sự mà không thấy phải bỏ ra bất cứ một xu nào trong cái khoản tiền 7,2 tỉ đồng kia.

Trong khi đó, người thợ xây xây sai phải xây đền cho chủ. Nhà báo đưa tin sai, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh theo luật phải chịu hình thức kỉ luật và bồi thường vật chất cho doanh nghiệp.

Theo Điều 56, khoản 1 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước,  người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Chợt nhớ đến câu hỏi đầy thảng thốt của Nhà báo Phạm Tuấn Anh cách đây mấy năm (2011) trong một bài viết trên BLOG Dân trí: “Tiền thuế của mình đâu?”. Vâng, có lẽ đây chính là một trong những câu trả lời về “đường đi” của nó.

Trở lại với lời xin lỗi của ông Viện trưởng. biết rằng làm gì cũng có thể có sai sót. Khi có sai sót, rất cần một lời xin lỗi. Nhưng điều mong muốn hơn cả là hạn chế tối đa sự sai sót bởi hậu quả của nó ở lĩnh vực này quá lớn.

Xin chia sẻ với ông cùng các cán bộ trong ngành. Song, cũng xin gửi tới ông câu hỏi, những người làm tổn hại ngân sách 7,2 tỉ đồng chẳng lẽ lại không phải chịu dù chỉ một xu?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!