Lời khẳng định "chắc nịch" của Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Với lời khẳng định "chắc nịch" của Bí thư Đồng Nai, có thể nói ông và yêu cầu các thuộc cấp phải đem cả sinh mạng chính trị của mình đặt vào công tác an sinh.

Lời khẳng định chắc nịch của Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh - 1

Gần đây, xuất hiện một số phát biểu ngắn gọn và "chắc nịch" của lãnh đạo từ địa phương tới Trung ương.

Tại An Giang, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Đinh Văn Nơi nhắn nhủ: "Nếu thiếu gạo mà chưa có trong danh sách hỗ trợ thì nhắn tin cho tôi" đồng thời công khai số điện thoại 0962297777 của mình để người dân có thể trực tiếp gọi điện, nhắn tin SMS hoặc Zalo.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng tuyên bố phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, tất cả tuyến đường bộ là luồng xanh. "Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, "giấy phép con" thì phải dừng áp dụng. Tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa". Ông Thể nói.

Tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23-8-2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp".

Đặc biệt, tại Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Đồng Nai với các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn vào sáng ngày 23/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định "nếu để người dân Đồng Nai đói trong thời gian giãn cách thì tôi xin từ chức luôn" đồng thời yêu cầu lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo: "Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu kỷ luật trước tiên, thậm chí ngay cả Bí thư Tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm. Cuộc chiến chống dịch thắng lợi hay không phụ thuộc vào ý thức người dân, nhưng quan trọng hơn vẫn là chính sách an dân, làm sao để người dân yên tâm và tin tưởng. Vắc xin quan trọng nhất là ý thức người dân và lòng dân".

Đây là lời tuyên bố "chắc nịch" của vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Đồng Nai, một trong số các địa phương có nhiều ca lây nhiễm nhất đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

Nhìn từ lịch sử cũng như hiện tại cho thấy, an sinh xã hội là công tác rất quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, trong công cuộc phòng chống dịch bệnh nói riêng.

Trong "Đại cáo bình Ngô", Nguyễn Trãi đã viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân". Trong công cuộc phòng chống "giặc covid" hiện nay, thành công hay không cốt lõi là ở an dân. Dân an mới chống được dịch bệnh hay ngược lại, muốn chống dịch bệnh thành công thì trước hết phải an dân.

Có lẽ vì vậy, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương nhằm đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, sau khi điểm lại những thành công như gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động. 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt. Gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ. Gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng, hàng triệu túi quà an sinh đã và đang được trao tận tay người dân... Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: "Đó là cái được lớn nhất trong thực hiện chính sách. Qua đó, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và công cuộc chống dịch ngày càng lên cao…". 

Trở lại với lời khẳng định "chắc nịch" của Bí thư Đồng Nai, có thể nói ông và yêu cầu các thuộc cấp phải đem cả sinh mạng chính trị của mình đặt vào công tác an sinh.

Khi lòng dân đã an thì "Khó vạn lần dân liệu vẫn xong". Nếu làm tốt công tác an sinh cộng với những nỗ lực của ngành Y tế và sự ủng hộ của người dân, công cuộc phòng chống đại dịch covid dù còn rất gian nan nhưng chắc chắn sẽ thành công.