Linh hay Lucy?

Một điều tưởng như đơn giản như tên gọi thì Joe lại phát hiện ra những góc nhìn khác. Sau những ví dụ đưa ra, rốt cuộc anh chàng hài hước này khuyên rằng: “Theo tôi nên giữ tên mẹ đẻ”.

Một vấn đề  người Việt sắp đi nước ngoài hay lo: “Có nên đổi tên không?”.

 

Giới thiệu Linh hay Lucy? Khánh hay Kris? Phạm Thị Nguyệt Nhung hay Nizzie Tina Moon-Moon Pham?

 

Tây chuẩn hay thuần Việt?

 

Thật ra không phải lúc nào cũng có sự lựa chọn. Tôi nghĩ hai trường hợp bắt phải “chỉnh” tên: (1) tên có ý nghĩa xấu trong ngôn ngữ kia, và (2) tên khó phát âm quá, dù cố đến mấy lưỡi người ta vẫn không “liếm” được các nguyên và phụ âm đó.

 

Ý nghĩa xấu

 

Ví dụ tiêu biểu là một anh tên Chiến đi du học ở Pháp. Tiếng Pháp “Chiến” có nghĩa là “chó” - “Je m’apelle Chiến” là “tôi tên chó” một cách giới thiệu có hợp với ca sĩ hát rap?
 

Hai tên “Dung”  và “Dũng” cũng tế nhị, lần này trong tiếng Anh. Theo cách đọc chữ tiếng Anh, cả hai đều thành “Đăng”, ý nghĩa là “phân”. Ca sĩ hát rap không có ai tên Phân cả.

 

Vấn đề ở  đây tại Alexandre deRhodes. Nếu ông chọn chữ Z thay vì chữ D thì vấn đề đã không… thành vấn đề.

“Zung” theo các đọc chữ tiếng Anh là “Dung” (giống phát âm tiếng Việt), tốt cho hai bên, không vô tình nhắc sản phẩm cuối của hệ tiêu hóa. (Zung tiếng Anh không có nghĩa gì hết). 

 

Thế hệ trước nhiều tác giả Việt Nam dùng chữ Z thay chữ D (záp, zũng, zữ) nên biết đâu vấn đề không tại ông Alexandre deRhodes mà do người phát triển hệ thống sau. 
Tóm lại có một số trường hợp cần phải sửa tên. Bạn tên Chiến sắp đi Pháp ư? Hay là đổi tên thành Thắng đi, ý nghĩa vẫn thế, chất văn hóa vẫn còn, chất con chó đã mất. Bạn tên Dung sắp đi làm ở Anh ư? Cứ viết thành “Zung” hay “Dzung” đi, thế là ngon lành.
 

Khó phát âm

 

Vậy đến với trường hợp thứ hai phải đổi tên: Người ta không phát âm được. Một người Mỹ cố phát âm tên “Nguyệt” về mức độ khó khăn không khác gì một tội phạm Việt Nam đeo còng số tám cố buộc dây giầy bằng răng và lưỡi; không phải chuyện không thể nhưng gần như thế. 

 

Nờ-gu-yệt. Ni-gui-yết. Nơ-goẹt. Nguy-y-hệt. Nờ-gu…Nờ-gu…Nờ-gu… “Stop Stop! Please call me Jane!”.

 

Nếu bạn tên Hùng và sắp đi Úc cùng một người bạn khác tên Hương thì bạn nên chuẩn bị tinh thần để cả hai bạn đều bị gọi là “Hoong”. Hey Hoong! Hoong! Me? Me? Không biết người ta đang gọi ai, cả Hùng lẫn Hương đều phải “Yes?”.

 

Tên Phước cũng khó. Ví dụ, bạn là người con gái Hà Nội đang yêu một anh Việt Kiều bên Mỹ. Anh ấy tên thật là Phước nhưng không quen dùng tên ấy, bạn bè toàn gọi anh ấy bằng Peter. (Bạn cũng nói chuyện với anh ấy bằng tiếng Anh.) Một hôm bạn và Peter cãi nhau qua điện thoại. Peter tắt máy, tức giận quá. Bạn cảm thấy có lỗi với Peter. Bạn viết thư tỏ tình như một cách xin lỗi. Bạn quyết định dùng tên tiếng Việt để “tăng độ tình cảm”. Bạn gọi điện anh ấy, anh ấy nghe máy. Bạn bắt đầu đọc thư tỏ tình đó luôn… “Peter… Phước yêu!”.

 

Alô? Alô Anh còn đó không? Alô? Peter?
 

Linh hay Lucy? - 1



 

Sự quyết định chủ quan

 

Đó là những trường hợp tốt nhất nên chỉnh lại tên chút, hoặc ít nhất giải thích rõ ràng về ý nghĩa và cách phát âm. Nhưng trường hợp cần chỉnh là trường hợp ngoại lệ. Đa số tên Việt Nam không có ý nghĩa xấu gì trong tiếng Anh (tạm dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Anh nhé), phát âm thoải mái. Vì vậy, đổi tên khác là sự quyết định chủ quan. Bạn thích được gọi bằng Linh hay bằng Lucy? Không phải “bạn chấp” nhận, hay “bạn đồng ý”, mà bạn thích được gọi bằng tên A hay tên B.

 

Theo tôi nên giữ tên mẹ đẻ. Đó là tên cha mẹ bạn chọn, là niềm tự hào của một gia đình nhỏ và một đất nước lớn.

 

Phải nói tôi có nhiều người bạn Việt Nam đi nước ngoài và đổi tên thành công - tức họ cảm thấy tên mới chọn (những Mike, Linda, Sam) đã giúp họ hòa nhập với cuộc sống bên kia và thêm nhiều người bạn mới. Ngược lại tôi có nhiều người bạn nước ngoài sang Việt Nam đi học cũng đổi tên thành công - tức họ cảm thấy tên mới chọn (những Duy, Khải, Việt Anh) tạo cảm giác gần gũi trong lòng người Việt. 

 

Nhiều người nói Jackie Chan (Thành Long) và Bruce Lee (Lý Tiểu Long) đã thành công ở Hollywood vì chọn tên tiếng Anh dễ nhớ. 

 

Nhưng đó là họ.

 

Từ khi bắt đầu viết blog và làm truyền hình tôi quyết định giữ tên Joe. Tôi biết với một số người, đặc biệt người lớn tuổi, tên Joe hơi lạ, hơi khó gần, không quen thuộc và giản dị như “Hoàng”, “Quân” hay “Cường Anh”. Nhưng đó là tên tôi (est. 1978!) và tôi thích tên tôi. May có vài “Joe” khác đi trước làm marketing giúp (nhất là Joe Jonas và Joe Cole) nên tôi có thể relax ăn theo.

 

Tôi có nickname là “Dâu” (hoặc Dâu Tây) nhưng đó chỉ là nickmame vui. Tôi là quả Dâu cũng như Đức Hiệp là con gà, Thanh Vân là con ốc, và Quốc Cường là tờ đô-la. Cát visit của tôi vẫn ghi tên “Joe”, các chương trình truyền hình vẫn giới thiệu tên “Joe” (blog này vẫn là blog của Joe), và tôi chưa bao giờ được nghe một em Việt Nam gọi tôi là Dâu yêu.
 

Joe được mà. Linh được. Thủy được. Mai được. Huy được…

 

Thêm vào đó, tôi rất quý những người chiến đấu giữ tên mẹ đẻ bất chấp dư luận. Barrack Obama chẳng hạn. Bao nhiều người khuyên ông nên đổi tên sang Barry, Bob, Bill…“Anh ơi, người Mỹ mình chưa ai nghe tên Barrack bao giờ!”, người ta “khuyên” (Nguồn gốc tên Barrack là tiếng Swahili của vùng Đông phi) “Anh sẽ không bao giờ làm chính trị gia với tên rắc rối đó, anh nghe chưa? Anh đổi ngay đi!” Không, Barrack trả lời, đó là tên tôi. Bây giờ tên Barrack thành thương hiệu, những người trước đây khuyên ông nên đổi giờ lại khoe với bạn bè “Thấy chưa? Chính tôi là người khuyên ông ấy nên giữ tên Barrack thú vị đấy!”…

 

Nếu bạn dứt khoát muốn đổi tên Phương thành Michelle bạn cứ đổi đi. Đẹp mà. Nhưng nếu bạn quyết định giữ tên Phương thì… đẹp quá.

 

Cuối cùng, nếu bạn không có ý định sang nước ngoài nhưng sắp đẻ con và đang nghĩ về tương lai, hãy chọn cho con những cái tên như Linh, An, Kim, Huy, Mai, Đan… chạy tốt hai hệ thống luôn, khéo lắm đấy!

 

Joe