Lễ hội "lạ lùng" & sự tự xấu hổ của một người "cả nghĩ"!
(Dân trí) - Nổi lên trên nhiều trang báo những ngày qua là từ “cướp”. Nếu tra Google ba từ “cướp” + “lễ hội” thời điểm 10g45p ngày 24/2/2016, sẽ cho ra kết quả 1.750.000 trong 0,49 giây. Một con số kinh hoàng.
Trên các báo, xuất hiện nhan nhản các dòng tít như: “ Hỗn loạn ở lễ hội cướp phết Hiền Quan ”, “ Hỗn chiến ở lễ hội cướp phết ”, “ Dân cướp phết, quan tranh lộc ”, "Rùng mình với những hình ảnh xấu ở lễ hội tháng Giêng ”, “ Ẩu đả hỗn loạn trong lễ hội cướp phết lấy may ”, “Cảnh giẫm đạp tại lễ hội cướp phết ở Vĩnh Phúc”, “ Hình ảnh hỗn chiến kinh hoàng trong lễ hội cướp phết ”, “ Giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội cướp phết lấy may ”, “ Giẫm đạp, đổ máu cướp Phết ở lễ hội cầu may mắn ”, “ Lại hỗn loạn tại lễ hội” “Đả cầu cướp phết” …
Đối với cụm từ “chặt chém” + “lễ hội”, kết quả “khiêm tốn” hơn, khoảng 720.000 kết quả trong 0,44 giây. Song, không vì thế mà các tít bài thua kém bao nhiêu về độ sốc như: ” 'Chặt chém' đang xảy ra tại lễ hội Đền Trần”, “Ẩu đả, chặt chém trong lễ hội Phết ở Phú Thọ”, “Chặt chém mùa lễ hội”, "Chặt chém" ở chùa Hương mùa lễ hội”, “ Nạn "chặt chém" du khách mùa lễ hội đầu năm ”…
Có lẽ không nên và cũng không đủ ngôn từ để mô tả sự hỗn loạn, ẩu đả, tranh cướp và “chặt chém” trong mùa lễ hội.
Đọc những tông tin trên, chắc nhiều người không khỏi giật mình và hoang mang, lo ngại vì đạo đức xã hội đã “chạm ngưỡng”. Cái thói háo danh, ganh đua, vơ vét, tham lam quyền chức, bổng lộc của đời sống xã hội đã “đổ bộ” vào chốn tâm linh.
Ở ngay tại những nơi được coi là là cõi linh thiêng đã bị vấy bẩn bởi sự u mê. Người ta sẵn sàng giành giật, không, cướp giật “lộc thánh” bằng những hành động man rợ nhất có thể.
Không biết rồi đây, khi đem những “ấn”, “phết” về nhà, có bao giờ trong lương tâm họ day dứt và liệu thần phật có chứng giám cho những sản phẩm có được nhờ “cướp”?
Song rất may và cũng thật đau lòng, những chuyện ô uế này chỉ xảy ra ở một số địa phương các tỉnh phía Bắc. Lễ hội ở Bình Dương chẳng hạn, không có những trò “cướp” như thế này, cũng không có cả trò chặt chém.
Cứ ngỡ với lượng khách ước tính khoảng 2,5 triệu lượt người về dự, Lễ hội Rằm tháng Giêng ở chùa Bà (Bình Dương), một trong những lễ hội lớn nhất nước sẽ khó diễn ra trong êm đềm, thanh tịnh.
Thế nhưng không chỉ không có cảnh “cướp” hay hỗn loạn, xô bồ, giành giật và chặt chém, lễ hội này còn thể hiện cao độ tinh thần nhân văn, nhân ái. Một lễ hội... "lạ lùng"!
Đó là hàng trăm điểm phát bánh mì, nước uống và cả khăn lạnh miễn phí. Người góp đường, người góp trà, người bỏ công, người bỏ của…
Tại những điểm từ thiện, cũng không có cảnh xô bồ, chen lấn. Nét mặt cả hai bên đều rạng ngời trong niềm hạnh phúc tương ái, tương thân, chia sẻ.
Thật ấn tượng nhìn hình ảnh một em bé mặt rạng ngời cầm trên tay chai nước lạnh. Thật xúc động khi nhìn thấy những tấm biển “miễn phí” của một người hay của một nhóm người…
Không từ thiện nhưng cả các điểm bán hàng cũng đều niêm yết giá rõ ràng, không chặt chém. Gửi xe cũng đều thống nhất 10.000 đồng/chiếc, hương nhang đúng giá 3000 đồng/bó và không chèo kéo khách hành hương.
Tôi, một người cả nghĩ, nhìn những hình ảnh lễ hội Bình Dương mà không khỏi chạnh lòng xót xa và thành thật, tự mình thấy xấu hổ!
Bùi Hoàng Tám