Lành - lèo - lừa và tính thiện

(Dân trí) - “Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình”. GS Ngô Bảo Châu.

Lành là chị Phạm Thị Lành ở Đồng Tháp – người bán vé số đã trao cho người mua qua điện thọai 12 tờ vé số trúng thưởng 5,4 tỉ đồng. Chuyện cổ tích trong đời thực, đánh thức lương tri của cả cộng đồng. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” – lời dạy tha thiết của ông bà cũng có được những con cháu giữ được. Việc làm của chị Lành rất hồn nhiên xuất phát từ cái tâm lành của chị, nhưng cũng đủ để cho nhiều người tự thấy thẹn với lòng mình.
 
Lành - lèo - lừa và tính thiện - 1
  
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Lèo là ông  Nguyễn Thanh Lèo, tự là “Lèo cờ”, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng. Ông nổi tiếng thế giới vì đánh cờ tướng cá độ mỗi ván từ 1 đến 5 tỉ đồng. Ông là quan chức nhà nước, để có chừng đó tiền đánh bạc, chắc ông phải làm điều mờ ám. Một quan chức và một người bán vé số nghèo, hai nhân cách đối lập. Quan chức có tiền nhưng không có đạo đức. Người bán vé số kiếm từng đồng qua ngày nhưng biết giữ đạo làm người.

Lừa là nhóm giả danh nhà báo đến gặp chị Lành, lấy bài viết ca ngợi chị đã đăng trên báo để đòi 18 trịêu đồng. Người dân quê nghèo như chị Lành không hiểu vì sao nhà báo viết gương “người tốt việc tốt” mà lấy tiền nhiều như vậy? Còn những người mạo danh nhà báo đi lừa người bán vé số thì khỏi phải nói về sự tệ hại của họ. Tìm một người tốt trong xã hội quá khó, người tốt hiếm hoi đó đã bị nhiều kẻ xấu xâu xé. Vì trò lừa đảo này mà tâm hồn trong trẻo của chị Lành bị tổn thương, niềm tin vào cuộc sống trong chị bị hao khuyết. Chưa kể việc làm của họ làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà báo. Những người  đến lừa chị Lành để lại danh thiếp, ghi tên, số điện thọai, địa chỉ email. Mong cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Mới đây, dư luận bàn nhiều về “tính lương thiện” sau khi GS Ngô Bảo Châu phát biểu: “Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình”.  Chúng ta có niềm tin sự lương thiện còn ở những người lao động bình thường, những người chơn chất mộc mạc và nghèo khó, họ sống yêu thương và chia sẻ, biết hy sinh cho tha nhân. Hãy tin như vậy.

Lê Chân Nhân