Lãng phí khủng khiếp nếu không có phản biện, giám sát

(Dân trí) - Có bao nhiêu việc chi tiêu công, mua sắm công với hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm thì nhìn vào kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các cấp, dù các cuộc thanh tra, kiểm toán được tiến hành dày đặc, mỗi năm cũng thu về cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng do chi tiêu sai, kê khống, chi sai mục đích.

Lãng phí khủng khiếp nếu không có phản biện, giám sát - 1

Như Dân trí đã đưa tin, tuần trước, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã phải duyệt lại một khoản trước đó đã duyệt chi hơn 3 cán bộ của tỉnh này đi Mỹ với số tiền 2 tỷ đồng. Khoản duyệt lại là 688 triệu đồng.

Đủ hiểu, nếu không có phản ánh của báo chí, không có sự lên án mạnh mẽ của dư luận xã hội, sẽ không chỉ là 1-2 tỷ mà có thể có đến hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng tiền ngân sách bị chi tiêu bừa bãi.

Cần nhìn lại vụ tỉnh Thanh Hóa "suýt" chi gần 2 tỷ đồng cho một Phó Chủ tịch và 2 cán bộ khác của tỉnh này phi lý thế nào: Đó là tiền dự chi gần 400 triệu tiền nghỉ khách sạn, tiền thuê xe đi lại 359 triệu đồng... Và chỉ sau khi báo chí phản ánh, người ta đã nhanh chóng thu gọn lại chỉ còn 688 triệu đồng, trong đó các khoản như tiền thuê khách sạn còn 265 triệu đồng và tiền thuê xe đi lại chỉ còn vẻn vẹn 21 triệu đồng.

Nếu như không phải Dân trí và một số tờ báo khác phát hiện, đưa lên, ngân sách nhà nước có thể thất thoát một số tiền lên tới hơn một tỷ đồng cho một chuyến đi gọi là "quảng bá địa phương" mà xem qua, nội dung cũng hết sức mơ hồ.

Đáng lưu ý là chuyến đi với dự chi ban đầu quá bạo tay như vậy được tổ chức ngay sau thời điểm Thanh tra Chính phủ vừa trình kết luận thanh tra về việc tổ chức, chi tiêu cho các đoàn đi công tác nước ngoài của 4 bộ, ngành, địa phương thời kỳ 2012-2016. Trong đó, Thanh tra đã nêu rất nhiều bất cập, lãng phí của nhiều đoàn công tác ở các Bộ và các địa phương khi đi công du.

Ví dụ như một đoàn của Bộ Công Thương 5 người đi, do bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu, đã tiêu hết 1,4 tỷ đồng; cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm đi tới 160 ngày; hàng loạt đoàn đi có chi phí cao nhưng hóa đơn, chứng từ để về quyết toán không đầy đủ...Tổng số tiền cho các đoàn đi, riêng của 4 bộ thôi, đã hơn 1000 tỷ đồng và Bộ Công Thương đã chiếm tới một nửa.

Cung cách chi tiêu của các đoàn cán bộ nhà nước đi nước ngoài, ai đã từng chứng kiến đều không khỏi xót xa với người đóng thuế. Những cuộc hội thảo được kê giá từng đĩa hoa quả, giấy tờ in ấn ra với giá... trên giời, trong khi ngay ở khách sạn đó, có thể kiểm tra (qua mạng), mức giá thấp hơn rất nhiều. Nó đúng cái nghĩa ở Việt Nam thường hay nói: Khách 3, chủ nhà 7.

Cũng ngay 2 tuần trước đây thôi, Thủ tướng đã đọc và phê chuẩn tất cả nội dung về cuộc thanh tra trên mà Thanh tra Chính phủ kết luận, các bộ liên quan đều ghi nhận là nội dung thanh tra là chính xác; Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xem xét, chấn chỉnh tình trạng lãnh phí trong chi tiêu của các đoàn ra. Ấy thế mà khi bút phê của Thủ tướng vừa ráo mực thì ở Thanh Hóa lại xảy ra sự việc trên.

Ở đây có câu hỏi được đặt ra, nếu không có phản ánh của báo chí, không có sức ép của dư luận xã hội, thì còn có bao nhiêu đoàn công du theo kiểu ấy và sau đây, dù có các sự việc trên rồi thì ở nhiều bộ, ngành, địa phương, người ta có chấm dứt được tình trạng đó không, khi không có một quy trình xét duyệt chi tiêu và có cơ chế giám sát các đoàn đi chặt chẽ hơn?

Và không chỉ ở câu chuyện các đoàn đi công du nước ngoài. Ở ta, ngày nay, có bao nhiêu việc chi tiêu công, mua sắm công với hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm thì nhìn vào kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các cấp, dù các cuộc thanh tra, kiểm toán được tiến hành dày đặc, mỗi năm cũng thu về cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng do chi tiêu sai, kê khống, chi sai mục đích.

Nhưng năm nào cũng thế, con số tiền ngân sách bị chi tiêu sai phải thu hồi lại cũng lớn hơn năm trước. Và số người bị kỷ luật được tổng hợp lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, với các mức kỷ luật thường là: Kiểm điểm nghiêm khắc, nhắc nhở. Điều đó cho thấy, kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách vẫn còn rất lỏng lẻo.

Duy chỉ có Hà Nội, như Dân trí đã từng nêu trong bài viết gần đây, nhờ áp dụng cơ chế giám sát, đấu thầu nên có những khoản chi tiêu công trước đây rất lớn ở các hạng mục rất nhỏ như cắt cỏ, quét rác, vệ sinh đường phố thôi mà một năm đã tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng tiếc là, trong các địa phương, chỉ mới thấy Hà Nội bước đầu làm "gương" được việc đó.

Mạnh Quân