Làm gì trước lỗ hổng lớn trong quản lý "đất vàng"?
(Dân trí) - Tuần trước, trên Dân trí đưa thông tin từ Bộ Tài chính đã gây nên "cú sốc" trên thị trường bất động sản, đó là có hàng loạt dự án bất động sản có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước khi những mảnh đất để làm các dự án đó là "đất vàng", đất trung tâm đô thị nhưng đã không được định giá đúng khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có những khu đất đó tiến hành cổ phần hoá.
Với bài báo "Bộ Tài chính đề nghị thanh tra một loạt dự án bất động sản có dấu hiệu vi phạm" (Dân trí ngày 8/5) đã nêu vấn đề: Trong 3 năm từ 2014-2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, DNNN cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khi cổ phần hoá DNNN, nhất là những doanh nghiệp đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí gọi là "đất vàng", có giá trị cao các thành phố nhất là các khu vực trung tâm nhưng khi xác định giá trị doanh nghiệp, người ta đã "quên" không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hoá, không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá.
Có những dự án khi được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng người ta cũng đã "quên" không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai.
Có những dự án khi làm thủ tục xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lại chỉ căn cứ kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng theo Bộ Tài chính, đã không tính sát với giá thị trường. Đại khái, giá thị trường có khi lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có nơi cả tỷ đồng/m2 nhưng người ta chỉ xác định có vài chục triệu đồng/m2 chẳng hạn.
Bộ Tài chính cũng đã không ngần ngại kể ra một loạt các dự án, ví dụ như khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan và 1141 Giải Phóng (Hà Nội), dự án Pandora 53 Triều Khúc (Hà Nội), dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng... Một danh sách lên tới 60 đơn vị được Bộ này đề xuất Thanh tra Chính phủ tham khảo để đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2017.
Bộ này đã thẳng thừng chỉ ra đó là những dự án "có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước".
Đáng chú ý, Bộ Tài chính còn kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá.
Với tính chất khá nghiêm trọng trong vấn đề nêu trên mà Bộ Tài chính đã phát hiện, thị trường bất động sản rung động trong suốt tuần qua là điều dễ hiểu. Bởi đây thực sự là một lỗ hổng lớn trong quản lý tài sản công rất có giá trị là đất đai.
Khả năng Nhà nước đã thất thoát hàng ngàn tỷ đồng qua những việc xác định sai giá trị sử dụng đất, tính "chưa sát" giá thị trường, không thực hiện đấu giá... là một thực tế. Bởi hầu hết các dự án trên đều nằm ở những vị trí quá đẹp và các dự án chung cư, trung tâm thương mại đã và đang được xây lên trên các khu đất đó đã đem lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho Chủ đầu tư.
Dễ hiểu, ngay sau khi Bộ Tài chính nêu vấn đề này, các Hiệp hội bất động sản tại Hà Nội và TPHCM đều đã có văn bản, ý kiến, phân tích những thực tế cũng như hướng giải quyết cho những dự án có tên trong danh sách. Có nơi thì cho rằng, các chủ dự án chưa phải lo lắng vì đây mới chỉ là ý kiến từ Bộ Tài chính và lãnh đạo Chính phủ chưa có ý kiến.
Một số Hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đã nêu rõ hơn những vấn đề có tính "lịch sử" của những dự án bất động sản của các dạng chủ đầu tư khác nhau. Có chủ đầu tư là những Công ty Nhà nước nay đã cổ phần hoá, có chủ đầu tư là doanh nghiệp đã liên kết hoặc nhận chuyển nhượng, thậm chí đã qua nhiều vòng chuyển nhượng. Cho nên, cách xử lý với từng dự án sẽ khác nhau. Nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo lợi ích của người dân đã đầu tư, mua bán nhất là các dự án chung cư. Và để xử lý vấn đề này, Nhà nước cũng phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, kể cả Luật Đất đai.
Những ý kiến đó cũng rất có lý nhưng cũng có nhiều vấn đề mà không thể chờ đến lúc sửa Luật Đất đai mới giải quyết được, bởi trong thời gian có thể kéo dài đó, từ những lỗ hổng đã có, thất thoát tài sản nhà nước tiếp tục kéo dài. Với vấn đề trên, cho dù ngay lập tức, Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo chi tiết thì không có nghĩa là Chính phủ sẽ không có ý kiến. Một vấn đề lớn như Bộ Tài chính nêu sẽ không thể chìm đi bởi nó là vấn đề thực sự nghiêm trọng mà các cơ quan nhà nước khác: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường... sẽ phải có ý kiến và giải pháp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhằm "bịt" lỗ hổng đã quá rõ ràng này.
Và ngay cả Bộ Tài chính, khi phát hiện vấn đề trên, Bộ này cũng đã có căn cứ nhất định và có cả bộ máy: Thanh tra Tài chính để trực tiếp kiểm tra, thanh tra các dự án, các chủ đầu tư có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước. Do đó, những doanh nghiệp, đơn vị, chủ dự án nằm trong danh sách này e rằng, sẽ không thể "bình tĩnh" trong thời gian tới.
Mạnh Quân