Lái xe làm Viện phó kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học, thế thì sao nhỉ?
(Dân trí) - Người xưa có câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Vấn đề là ông Nguyễn Anh Tuấn có xứng đáng với chức vụ đó không? Việc bổ nhiệm ông Tuấn có gì khuất tất không?... là những câu hỏi cần được trả lời thay cho việc xoáy vào xuất thân tài xế của ông Tuấn.
Mấy hôm nay, xôn xao vụ việc ông nguyên tài xế Nguyễn Anh Tuấn trở thành Phó viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học đã gặp nhiều ý kiến phản đối, thậm chí có bình luận khá “chua cay” rằng giờ giảm xe công, chắc sẽ xuất hiện nhiều “tài xế - Viện phó” nữa.
Trước hết, phải nói về một thực trạng, đó là thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ bổ nhiệm “thăng tiến”, “thần tốc”… nên việc hoài nghi không phải không có lý do.
Tuy nhiên, nếu chỉ hoài nghi rồi nhận xét thì chưa đủ mà phải cần có căn cứ. Ví như việc bổ nhiệm đó có “bất thường” không? Người được bổ nhiệm có năng lực để đảm nhận công việc đó, chức vụ đó hay không?...
Cụ thể, trong trường hợp ông lái xe trở thành Phó Viện trưởng, câu hỏi đặt ra là ông này có đủ tiêu chuẩn, có xứng đáng với việc bổ nhiệm hay không? Có làm được việc hay không?... chứ không nên “xoáy” vào thành phần xuất phát từ lái xe của ông Tuấn vì như thế, vô tình sẽ sa vào “chủ nghĩa lý lịch mới”.
Có lẽ ở đây đang có hai cách nhìn.
Cách thứ nhất, khá phổ biến cho rằng việc bổ nhiệm ông tài xế vào chức Phó Viện trưởng là thế này, thế nọ…
Song, có cách nhìn thứ hai hoàn toàn ngược lại, đó là sự ngưỡng mộ khi xuất thân từ một tài xế, ông Tuấn đã nỗ lực phấn đấu trở thành Phó Viện trưởng một Viện khoa học.
Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có Hoàng đế xuất thân từ “áo vải. cờ đào”. Những năm đầu thế kỉ 20, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của cách mạng Việt Nam xuất thân từ nông dân, thợ thuyền.
Nhà Toán học hàng đầu Việt Nam, được thế giới kính trọng là GS Hoàng Tụy khi mới 28 tuổi đứng đầu nhóm viết bộ Tu thư (sách giáo khoa) và với các công trình toán học nổi tiếng như “Bài toán Tụy”, “lát cắt Tụy” hay Phương pháp “toàn cục tối ưu”… được thế giới ghi nhận và vinh danh đã có những năm tháng học hành không trọn vẹn.
Trên thế giới, Nhà phát minh vĩ đại Thomas Alva Edison từng là cậu bé thất học vì bị đuổi khỏi trường.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan có xuất thân là một diễn viên hạng xoàng, vô danh trên màn bạc…
Trở lại với trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Anh Tuấn, có lẽ không ít người trong chúng ta luôn cổ súy cho cách dùng người “trọng thực tài chứ không trọng hư danh”, “trọng thực việc chứ không trọng bằng cấp” thì việc xoáy vào xuất thân của ông Tuấn không chỉ đi ngược lại những tiêu chí trên mà còn hình thành tư duy của “chủ nghĩa lý lịch mới”.
Người xưa có câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Vấn đề là ông Nguyễn Anh Tuấn có xứng đáng với chức vụ đó không? Việc bổ nhiệm ông Tuấn có gì khuất tất không?... là những câu hỏi cần được trả lời thay cho việc xoáy vào xuất thân tài xế của ông Tuấn.
Do đó, cần tìm hiểu ông Tuấn có được cử đi học để nâng cao trình độ hay không? Khi đi học, bằng cấp có nghiêm chỉnh không? Có được đào tạo chuyên ngành đó không...? Nếu chạy chọt để lên chức thì đáng phê phán còn ngược lại, nếu do phát hiện có năng lực, được đào tạo để từ lái xe lên chức thì là điều đáng trân trọng.
Gần đây, đã có một vị từng xuất thân từ lái xe, được đào tạo học hành nghiêm túc, rồi về làm cán bộ lãnh đạo của UBND Hà Nội, sau đó làm tới chức Bộ trưởng một bộ quan trọng trong Chính phủ.
Nếu ông Tuấn xứng đáng với chức vụ hiện nay thì ông Tuấn còn là một tấm gương tốt, nhất là ở thời buổi này, không ít những vị mang hết “hàm” này, “hàm” nọ, “danh vị” nọ kia nhưng cả đời không có một sáng kiến dù chỉ “nhỏ như cái móng tay”, trừ “thành tích” lớn nhất là nhăm nhăm “rình” dự án, viết ra những công trình vô bổ nhằm vơ vét tiền của nước, của dân, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám