Lại thêm những "chuyến tàu vét" trước ngày nghỉ hưu
(Dân trí) - Một thông tin gây chú ý cuối tuần qua là việc lại thêm một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có hành động "lạ": Ký 70 quyết định bổ nhiệm nhân sự làm cán bộ, lãnh đạo trước ngày nghỉ hưu.
Cụ thể, như thông tin trên tờ Dân trí, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) vào ngày 19/6/2017 đã ký 70 quyết định bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí lãnh đạo thuộc Tổng công ty này.
Các cán bộ, nhân viên của Tổng công ty trên thấy bất ngờ vì chỉ trong 1 ngày- ngày 1/7, tự nhiên họ thấy các cán bộ, lãnh đạo mới nhậm chức, "nhan nhản" ở các phòng ban. Trong khi ngày 15/7 tới là ngày ông Lê Mạnh Hùng về hưu.
Các quyết định của ông vội vàng đến nỗi quên cả ghi ngày ra quyết định.
Sự việc trên nghe thì rất mới nhưng thực tế, đó là câu chuyện gần đây liên tục xảy ra. Nó được cho là việc làm có tính "chuyến tàu vét" trước khi nghỉ hưu của không ít người có chức quyền, để kiếm lợi lộc từ những người mình bổ nhiệm, thăng thưởng trước khi về hưu.
Cũng ở thời điểm này, ngày 7/7, báo Dân trí cũng đưa tin ông Lê Như Tuấn-cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự trước khi về hưu. Trong số những người ông bổ nhiệm, có người còn chưa có bằng đại học chính quy, có người chưa được chuyển ngạch công chức, có người chưa đủ trình độ lý luận chính trị.
Tạm thời, đã có 4 quyết định do ông này bổ nhiệm trái quy định đã phải bãi bỏ. Đã có một loạt người liên quan đến việc bổ nhiệm sai bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Ông Tuấn đang bị đề nghị xem xét hình thức kỷ luật.
Không khó để tìm kiếm các ví dụ tương tự vì trong mấy năm nay, hiện tượng này xảy ra rất thường xuyên và có lẽ vụ tai tiếng đầu tiên được nêu ra là vụ cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng đã ký hàng loạt nhân sự không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí "tốt" ở các Vụ, các phòng, ban của Thanh tra Chính phủ. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi ông đã nghỉ hưu và hình thức kỷ luật dành cho ông Truyền cũng chỉ là khiến trách.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng là một ví dụ rất tiêu biểu khác, khi trong thời gian cuối nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông tại Bộ Công Thương, những nhân sự do ông "cất nhắc" như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... đã trở thành những tội phạm, người thì đã bị kết án, kẻ còn đang bị truy nã. Và đó cũng là một phần nguyên nhân khiến ông bị cách cả tư cách "nguyên Bộ trưởng" dù đã nghỉ hưu vài năm.
Các Đại biểu Quốc hội từ khóa trước cũng đã sớm nhận ra kẽ hở này trong công tác nhân sự ở nhiều bộ, ngành và có người đã phát biểu trên nghị trường, gọi tên đó là "những chuyến tàu vét" của một số quan chức có quyền bổ nhiệm, cất nhắc người trước ngày nghỉ hưu. Đó là những hành vi được cho là tư lợi , kiếm chác những khoản này, khoản kia để khi về hưu hưởng thụ.
Người ta đã thấy ông Trần Văn Truyền, sau khi ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự là xây nhà nọ, biệt thự kia, thậm chí chiếm dụng cả căn hộ nhà nước tạm phân giao cho để ở... thì việc người dân hay đại biểu Quốc hội nghi ngờ, cáo buộc những việc ông bổ nhiệm nhân sự một cách bất minh với việc sở hữu nhiều tài sản lớn là điều dễ hiểu.
Đã có không ít ý kiến đề nghị, cần xiết chặt hơn cơ chế giám sát quyền hạn của nhiều cán bộ lãnh đạo, quan chức trong bộ máy đặc biệt trước thời gian họ nghỉ hưu là hoàn toàn đúng đắn.
Thậm chí có ý kiến đề nghị trong 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu của các quan chức, cán bộ nhà nước, thì không ai được sử dụng quyền ký quyết định về nhân sự nhằm tránh những trường hợp lạm dụng, bổ nhiệm nhân sự bừa bãi như ở Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, ở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, Bộ Công Thương... vừa qua.
Mạnh Quân