Lại “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, “trăm dâu đổ đầu… cậu đánh máy”?

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - “Hạnh phúc như một cái chăn hẹp, người này co thì người kia mất phần – Nam Cao”. Khi họ “co kéo” cho mình tức là họ đã tước đi phần của người khác.

Lại “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, “trăm dâu đổ đầu… cậu đánh máy”? - 1

Nếu chỉ nhìn vào bức ảnh “biệt thự” của hai “hộ nghèo” ở thôn Yên Hà, Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang, chắc chắn mọi người sẽ không sửng sốt mà thốt lên: “Làng đại tỉ phú”.

Song, thật ra không phải vậy. Yên Hà vẫn là một làng nghèo như không ít thôn làng của Việt Nam hiện nay. Vẫn còn những căn nhà cấp 4 thấp lè tè chưa mưa đã dột…

Thế nên, đã tạo nên sự bất bình khi phát hiện một số hộ gia đình có nhà cửa khang trang, điều kiện kinh tế khá giả, “bỗng dưng hóa nghèo”, tức là nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và được hưởng chế độ trợ cấp.

Chuyện “gà lầm đường” đến nhà quan xã, “dê lạc lối” vào cửa huyện quan ở ta vốn không hiếm trong cái thời mà nói như bà Nguyễn Thị Doan khi là Phó Chủ tịch nước: “Người ta ăn không từ thứ gì của dân” này.

Vì vậy, chuyện “hộ nghèo ở biệt phủ” cũng không lạ. Lạ là khi sự việc bị phát hiện thì “lỗi đổ vòng quanh” theo hướng “tăng dần đều”.

Theo báo Dân trí, ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã cử Đoàn công tác do ông Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Thưởng làm trưởng đoàn và một số ngành liên quan như: Lao động - TB&XH, Nội vụ, Công an, Văn phòng HĐND&UBND huyện xuống cơ sở làm việc với Đảng ủy, UBND xã Yên Lư và Ban chi ủy, Ban quản lý thôn Yên Hà để kiểm tra, xác minh vụ việc.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch UBND xã Yên Lư khẳng định với PV Dân trí sẽ làm rõ, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, rà soát toàn bộ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, thu hồi tiền chi trả chế độ sai phạm và lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh sách hưởng chế độ với những hộ đủ tiêu chuẩn.

Theo cách hiểu của tôi thì huyện và xã sẽ “xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm” mà đối tượng ở đây có lẽ cấp thôn. Mà thế cũng phải thôi bởi theo motip “lỗi cậu đánh máy”, thì cấp chức càng nhỏ, tội lỗi càng to.

Tôi còn có chút hoài nghi việc bà Chủ tịch UBND xã Yên Lư sao lại không biết chuyện này bởi thường thì người trong thôn, trong xã biết rõ về nhau cả.

Tôi cũng không tin cái tiêu chuẩn hộ nghèo bỗng dưng vô tư đi lạc vào nhà các đối tượng trên mà không có căn nguyên của nó.

Liên tưởng đến gần đây, báo chí đưa tin không ít những gia đình tự nguyện trả lại hộ nghèo vì giờ họ đã khá lên nên nhường cho người khác khiến tôi chợt nhận ra đúng là những đối tượng này và cả một số người liên quan nghèo thật nhưng họ không nghèo vật chất mà nghèo nhân cách.

“Hạnh phúc như một cái chăn hẹp, người này co thì người kia mất phần – Nam Cao”. Khi họ “co kéo” cho mình tức là họ đã tước đi phần của người khác.

Mong rằng sự việc sẽ được “xử lý thật nghiêm khắc, triệt để ngay sai phạm” như lời ông Chủ tịch UBND Bùi Quang Huy chứ không “kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc” và cũng không “trăm dâu đổ đầu… cậu đánh máy”.