Lạc hậu truyền thông, văn minh trù dập & người dân khiếp sợ!

(Dân trí) - Đó là những câu chuyện vừa được nêu ra tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều 16/6.

Lạc hậu truyền thông, văn minh trù dập & người dân khiếp sợ! - 1

Về câu chuyện thứ nhất là ý kiến của đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) khi ông thẳng thắn cho rằng, việc không mở rộng hình thức tố cáo bằng email, fax, điện thoại là “lạc hậu đến cả hàng nghìn năm”.

“Giờ thế kỷ XXI rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư văn bản với trực tiếp. Hàng nghìn năm trước, nhân loại cũng đã có thạch thư, mộc thư, trúc thư… rồi cơ mà”. Ông Thức nói.

Thật ra, việc chấp nhận đơn thư tố cáo nặc danh đã từng được đặt ra trong Luật phòng chống tham nhũng. Thế nhưng trong Luật Tố cáo, nó lại không được chấp nhận. Vì việc “vênh” nhau này nên Luật tố cáo đang được đặt ra để xem xét sửa đổi. Song, nó cũng đang gặp phải không ít ý kiến không đồng tình mà lý do chính là sợ chấp nhận nặc danh sẽ nhiều đơn thư quá, không xác minh hết được.

Câu chuyện sau thuộc về đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Để minh chứng cho câu nói "Việc trả thù người tố cáo lại diễn ra tinh vi, đến tầm văn minh”, ông Phương kể một câu chuyện đầy xót xa.

Đó là một thanh niên trung thực tố cáo thủ trưởng của mình. Thay vì tức giận, vị thủ trưởng nọ bày tỏ sự khen ngợi về tình trung thực, thẳng thắn của anh này rồi ngon ngọt đẩy anh ta đi với lý do cần học hành một cách chính quy, bài bản, chứ không học tại chức, để sau này lãnh đạo nghỉ sẽ là người kế cận.

"Sau khi người đó đi học về, lãnh đạo cho rằng, cậu này được đào tạo lý luận, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải trở về thực tiễn để tiếp tục rèn luyện. Và anh này được đưa xuống một đơn vị khó khăn, sau đó bị bỏ mặc cho tự “bơi”, thậm chí người lãnh đạo còn tạo “sóng” để dìm cho anh cán bộ trẻ “uống nhiều nước”.

Khi thấy anh cán bộ ngắc ngoái vì “uống nhiều nước”, người lãnh đạo bắt đầu kéo lên, bố trí công việc, coi như cứu giúp. Từ đó trở đi anh này coi như thui chột, dù trong lòng đắng ngắt nhưng miệng vẫn phải mỉm cười nói cảm ơn người đã cứu giúp. Tôi nói câu chuyện này là chuyện thực tế. Sự trả thù như thế tinh vi đến mức văn minh”. Ông Phương kể.

Đúng là trả thù thâm hiểm một cách văn minh.

Nhớ lại cách đây 4 năm (2013), trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 18/9/2013, ông Hùng nói nguyên văn: “Người dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì…”.

Đúng là không chán sao được khi những đơn thư tố cáo của người dân gửi đi luôn rơi vào sự biệt vô tăm tích. Thậm chí không nhận được dù chỉ là dòng hồi âm tối thiểu: “Chúng tôi đã nhận được…”?

Không chán sao được khi có những lá đơn gửi đi tố cáo lại quay về với chính người bị tố cáo để rồi người tố cáo nơm nớp sống trong tâm trạng sợ bị trả thù của người có quyền, có chức?

Không chán sao được khi chính các đại biểu Quốc hội cũng phải kêu lên rằng mình chỉ là “người chuyển đơn thư” như lời than vãn của cựu Đại biểu Nguyễn Lân Dũng năm nào?

Không chán sao được khi những vụ án trật tự xã hội càng điều tra thì đối tượng liên quan càng nhiều, sự việc càng to ra trong khi đó với vụ án tham nhũng thì ngược lại, càng làm thì càng thu hẹp, vụ việc càng “teo” lại như lời phát biểu của ĐB Lê Thị Nga.

Không chán sao được khi một vụ trộm vài triệu đồng thì bị xử tù giam nhưng tham nhũng tiền tỉ thì lại xử hành chính, đặc biệt là “người dân mất lòng tin vì có án tham nhũng được chỉ đạo làm xẹp xuống….” như lo ngại của nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước.

Không chán sao được khi “có địa phương, gần 90% bị cáo tham nhũng được xử án treo” như lời của ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Song, dân không chỉ chán mà có thể còn khiếp sợ bởi những thẳm sâu hiểm độc của lòng người mà câu chuyện ĐB Phương kể trên là một ví dụ.

Với hình thức truyền thông ”cổ kính” cộng với “văn minh trù dập” tinh vi, thâm độc thì người dân chỉ còn biết kêu lên hai từ:

Khiếp sợ!

Và phải chăng vì thế, tham nhũng đã, đang và vẫn còn là một nhức nhối, gây mâu thuẫn sâu sắc trong lòng xã hội?

Bùi Hoàng Tám