Lá tía tô 700 đồng/chiếc và những con lợn ốm nhách, thả rông
(Dân trí) - Câu chuyện một công ty may mặc ở Hà Nội vừa xuất khẩu tía tô sang Nhật với giá 500-700 đồng/lá và tình trạng nhiều loại nông sản, thực phẩm ở nhiều vùng miền vẫn đang bị rớt giá thảm hại tuần qua đang đặt ra nhiều vấn đề về hiệu quả, cách thức sản xuất nông nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Việc Công ty cổ phần Tập đoàn may Hồ Gươm (Hà Nội) vừa xuất khẩu lô hàng lá tía tô để cung cấp cho các nhà hàng ở Nhật Bản với giá từ 500- 700 đồng/lá đã gây ngạc nhiên lớn, có thể là với cả hàng triệu người đã biết đến cây tía tô.
Vâng, có vẻ như ai cũng biết loại cây này, khá phổ biến, thân thuộc với hầu hết người dân các vùng miền ở Việt Nam. Loại cây này có màu sắc, mùi vị rất đặc trưng, thường dùng để ăn kèm với cháo (cá), nem, nấu canh cà... Với các món ăn Nhật Bản thì lại càng thông dụng, để ăn kèm với cá hồi, các tươi... và nó còn là một vị thuốc.
Thế nhưng, một công ty vốn chuyên làm may mặc và xuất khẩu lá của loài cây giản dị ấy với mức giá có thể nói rất cao đó quả thực là một sự ngạc nhiên. Tất nhiên, để có sự ngạc nhiên đó thì đơn vị xuất khẩu cũng đã đầu tư khá lớn, gần 150 tỷ đồng cho hàng chục ha trồng tía tô và thu hoạch, bảo quản bằng quy trình khá nghiêm ngặt.
Nhưng dù sao, lô hàng xuất khẩu khá đặc biệt này cũng gây nên bất ngờ và khiến các nhà đầu tư, nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp không khỏi không suy nghĩ.
Trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, đã dồn dập thông tin về những sự thất bại, bết bát của nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của Việt Nam. Hết dưa hấu bị ế thừa lại đến thịt lợn phải giải cứu. Hiện tại, có một số tỉnh phía Nam giá thịt lợn còn giảm tới mức 25.000 đồng/kg- một mức giá mà không người chăn nuôi nào có lãi cả, thậm chí là lỗ nặng.
Chính vì tình trạng đó, trong tuần qua, trên báo chí, mạng xã hội đã tràn lan hình ảnh những chú lợn gầy trơ xương, rất thảm hại mà mới nhìn qua, người ta cứ tưởng loại quái vật nào. Hoá ra là người dân một số nơi đã đuổi, thả lợn ra ngoài, không nuôi và cũng không bắt thịt vì dư thừa, không bán được.
Thông tin mới hơn nữa là ở một số vùng chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai, giá trứng chim cút giảm chỉ còn 300 đồng/quả, và người ta có thể mua 100 quả chỉ với 20.000 đồng. Một trong những lý do được giải thích là do chính quyền mải giải cứu thịt heo (lợn) mà quên hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm khác. Bán được thịt heo thì lại ế trứng, ế thịt gà gà, thịt vịt...
Câu chuyện lá tía tô 700 đồng/chiếc và tình trạng ế thừa nhiều loại nông sản khác cho thấy: Người dân vẫn đang rất thiếu thông tin về thị trường, đầu ra sản phẩm mà Nhà nước, cụ thể là các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương đã không giúp họ điều đó.
Nông dân vẫn sản xuất, chăn nuôi những sản phẩm mình quen làm, quen bán những gì mình có mà không biết thị trường cần gì và thị trường đã bão hoà đến mức nào với những sản phẩm của họ. Sau nhiều thất bát ở các mùa vụ trước, người dân Quảng Ngãi vẫn trồng loại dưa hấu ấy. Người dân Đồng Nai, Thanh Hoá... vẫn nuôi lợn theo cách đó. Người dân các tỉnh ĐBSCL vẫn trồng những loại lúa cho ra loại gạo phẩm cấp thấp.
Họ không biết, người nông dân ở Lào, Thái Lan, Campuchia đã xuất khẩu những sản phẩm đó: Gạo, dưa hấu, thịt lợn... nhưng chất lượng, phẩm cấp cao hơn nhiều. Trung Quốc giờ đã chuyển qua nhập những loại dưa hấu quả nhỏ, ngọt, ngon hơn rất nhiều dưa hấu từ Quảng Ngãi của Việt Nam. Gạo của Campuchia xuất đi, ngày càng nhiều và chất lượng cao hơn hẳn gạo của Việt Nam. Thế thì làm sao hàng hoá của Việt Nam không ế?
Tuy nhiên, cũng không thể chỉ trách người nông dân. Bởi như nói ở trên, họ luôn bị thiếu thông tin về thị trường, thiếu sự hỗ trợ về công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, thiếu tiền để đầu tư cho chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; thiếu sự quan tâm, phát triển các sản phẩm đặc sản... Nhưng các bộ, ngành thời gian qua đã giúp gì cho họ? Tất nhiên không phải là không có qua các chương trình khuyến nông, nhưng hiệu quả như thế nào thì ai cũng đã thấy.
Người viết bài này còn nhớ, ngay cả những bản tin về thị trường ngoài nước, với từng mặt hàng, Bộ Công Thương cũng có khá đầy đủ. Nhưng bản tin này rất ít được công khai, hoặc khi được công khai thì nó được chậm cập nhật và đã cũ. Những bản tin mới nhất, thường chỉ được bán cho các doanh nghiệp nào quan tâm.
Với thực tế như vậy, có lẽ, người nông dân càng sản xuất, gia tăng sản lượng, càng thất bát, thua lỗ, nợ nần. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá lại mất mùa, nghèo đói hoàn nghèo đói vẫn cứ quẩn quanh mãi với người nông dân Việt Nam.
Mạnh Quân