Kiên quyết xóa bỏ tình trạng “Chính phủ cần nhưng… chúng em không vội!”
(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn trong vụ việc sổ đỏ 5,7 tỉ đồng tại Lâm Đồng theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang làm việc quyết liệt để xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ và quan tâm đến từng lợi ích nhỏ nhất của người dân mà điển hình như việc xử lý hậu quả và cán bộ vi phạm trong vụ cuốn sổ đỏ 5,7 tỉ đồng của cụ bà Đàm thị Lích Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) là một ví dụ.
Để bạn đọc tiện theo dõi, xin nhắc lại đôi nét về việc này. Cách đây khoảng nửa thế kỉ, gia đình cụ bà Đàm Thị Lích đã đổ mồ hôi, công sức khai phá mảnh đất hoang hóa rộng gần 4.000 m2 (3.925m2). Sau ngày đất nước thống nhất (1975), gia đình bà vẫn tiếp tục canh tác trên mảnh đất này đến năm 1986 thì góp vào hợp tác xã nông nghiệp, gia đình bà được cấp 750m2 (sau do mở rộng đường, còn lại 610m2).
Ngày 18/12/1993, UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định số 419/QĐ - UB công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610m2 của gia đình cụ Lích.
Song, không hiểu tại sao khi gia đình cụ Lích tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để cấp quyền sử dụng đối với lô đất thổ cư 610m2 thì chính UBND huyện Đức Trọng lại ra quyết định không cấp toàn bộ 610m2 đất thổ cư cho gia đình cụ Lích mà chia thành hai lô, một lô 253,9m2 đất thổ cư (nhưng yêu cầu nộp tiền sử dụng đất 5,7 tỉ đồng) và 310m2 còn lại là đất nông nghiệp.
Sau khi nhận được phản ảnh từ báo Dân trí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công văn yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc. Cùng thời điểm đó, ngày 13/5/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giao cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai ngay ngày hôm sau (14/5) phải trực tiếp vào kiểm tra sự việc. Đúng 2 tuần sau ngày Bộ trưởng Hà chỉ đạo (13/5 – 27/5), Sở TN&MT đã phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình cụ Lích.
Tiếp đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà quyết định tặng thưởng Bằng khen cho nhóm phóng viên báo Dân trí.
Việc làm của Bộ trưởng Hà đã nhận được sự đồng tình của đông đảo bạn đọc. Nhiều độc giả đã gửi thư điện tử (comment) chúc mừng Dân trí đồng thời cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã quan tâm đến vụ việc.
Ở đời, có thưởng phải có phạt. Người gây oan sai cho dân phải chịu hình thức kỉ luật là lẽ công bằng. 10 cán bộ liên quan đến vụ việc bị xử lý kỉ luật. Riêng ông Lê Công Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, người trực tiếp ký quyết định giải quyết đơn thư của vụ việc đã không được giới thiệu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021.
Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ có văn bản, nêu rõ: “Đồng ý với ý kiến của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của Bộ Nội vụ về việc xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn; Yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có tác dụng góp phần hạn chế những vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước đất đai và giải quyết khiếu nại của công dân”.
Câu chuyện này là minh chứng cho những hành động quyết liệt, công khai từ Chính phủ đã có sức lan tỏa đến các địa phương.
Tuy nhiên, người dân còn chờ đợi nhiều hơn thế ở các vụ việc khác bởi tình trạng lần khân, trì trệ như đã trở thành “thâm căn, cố đế” trong não trạng của không ít cán bộ công chức.
Khi có việc, họ viện mọi lý do để thoái thác nhiệm vụ và khi sự việc xảy ra thì bằng mọi cách trốn tránh trách nhiệm theo kiểu “tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh”. Không làm nhưng có công thì tranh, khi có tội thì chối, khi có lỗi thì đổ và khi không thể chối tội, đổ lỗi được nữa thì họ viện đủ lý do để thanh minh...
Nói thẳng ra, họ chính là những vật cản trong quá trình xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, vì dân và không chỉ thế, “quan thì xa, bản nha thì gần”, họ còn phá vỡ mọi nỗ lực từ trên nên cần phải kiên quyết loại bỏ.
Dứt khoát không để xảy ra tình trạng “Chính phủ cần nhưng chúng em… không vội”, việc gì cũng đến tay Chính phủ, đến tay Thủ tướng, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám