“Kiên quyết, quyết liệt”… chỉ mong không “hoá bùn”!
(Dân trí) - “Kiểm tra biệt phủ của đại gia vàng, đội quy tắc bất lực ra về”, chuyện thật mà ngỡ như đùa này vừa diễn ra vào sáng ngày 31/10 tại Đà Nẵng.
Theo phản ánh của phóng viên Dân Trí, công trình biệt phủ trái phép ở khu vực rừng đặc dụng dưới chân núi Hải Vân (thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã được đại gia vàng Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty vàng Phước Minh, tỉnh Quảng Nam) xin tự nguyện tháo dỡ từ 2015. Thế nhưng sau 3 năm, đến nay, công trình này vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn.
Sáng ngày 31/10, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, Đà Nẵng phối hợp chính quyền địa phương đến kiểm tra hiện trạng biệt phủ nhưng không vào được bên trong, đành bất lực quay về.
Sự trở về trong “bất lực” của các cơ quan chức năng khiến nhiều người dân, trong đó có người viết cảm thấy cay đắng thay! Không ít độc giả đã đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của luật pháp ở đâu? Ông Ngô Văn Quang là ai mà chỉ một nhiệm vụ “kiểm tra hiện trạng” thôi nhưng đội kiểm tra thậm chí cũng không được người trong nhà mở cửa cho vào?
Đành rằng chủ công trình đã xin được tự nguyện tháo dỡ, nhưng cớ gì sau 3 năm vẫn chưa tháo dỡ xong? Việc tháo dỡ khó đến vậy sao? Thậm chí đến tận năm 2017, vị đại gia này còn có đơn xin UBND TP Đà Nẵng và HĐND TP Đà nẵng để được xây dựng khu du lịch trên phần đất rừng đã được cấp!?
Chỉ theo dõi thông tin trên báo chí cũng thấy rằng, câu chuyện xử lý biệt thự, biệt phủ, công trình… trái phép chẳng riêng gì Đà Nẵng mà còn khá phổ biến! 45 công trình “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn; 57 biệt thự xây trái phép trên núi Ba Vì; 40 móng biệt thự trái phép ở bán đảo Sơn Trà và không ít công trình, dự án khác vẫn đang diễn ra trên cả nước…
Một bức tranh đau lòng về thực trạng “nhờn” luật pháp, về sự bất lực của các cơ quan chức năng khi mà không ít “chức năng” của các đơn vị thực thi vì lý do này, lý do khác bị “tê liệt”.
Những công trình xây trái phép đó đều là những công trình lớn, chẳng thể làm ngày một, ngày hai, không thể một đêm mà có. Xây dựng rầm rộ, thậm chí là rất nhiều công trình tồn tại cả chục năm một cách hiên ngang, bề thế… ấy mà chẳng hiểu sao không cơ quan nào xử lý nổi.
Cấp cơ sở thì chờ chỉ đạo cấp trên, báo chí hỏi đến địa chỉ nào cũng được trả lời là “sẽ quyết liệt xử lý”, “kiên quyết tháo dỡ”… song nhiều vụ việc vẫn loay hoay với “đang rà soát”, “đang kiến nghị” và “đang đốc thúc”! Rốt cuộc, chưa thấy ai nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm, còn người dân thì vẫn câu hỏi cũ: Chẳng có nhẽ để lâu thì… lại hoá bùn?
Cách đây hơn 1 tuần, vào ngày 23/10, ngay tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đã nói rất thẳng thắn rằng, hiện Đà Nẵng đã mất động lực tăng trưởng từ đất, trong khi công nghiệp chưa phát triển, dịch vụ phát triển chưa đồng bộ. Vị đại biểu này dự báo trong hai năm tới, Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu (theo báo Pháp luật TPHCM – 23/10/2018).
Đành rằng, mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương là chính đáng, tuy nhiên, từ những bài học nhãn tiền, mà cụ thể nhất là Đà Nẵng mới thấy rằng, trong lĩnh vực đất đai, nếu không quản lý nghiêm túc và không có cái nhìn dài hạn thì hệ luỵ sẽ khôn lường.
Tài nguyên đất đai không vô hạn, phát triển dựa vào “bán tài nguyên ăn dần” đương nhiên không thể nào bền vững! Và tệ hại hơn, nếu sự phát triển trên một nền tảng không minh bạch, thì chẳng người dân ở địa phương nào mong muốn và cần đến cả!
Bích Diệp