Kiểm soát quyền lực - Thông điệp của Phó Ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương?

(Dân trí) - Viết bài trên VietnamNet ra ngày 1.1.2016, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đặt tít: “Ba mươi năm đổi mới: Nhìn lại và suy ngẫm.” Nhưng nội dung chính trong bài này được Vietnamnet thể hiện lại bằng tít: “Ông Vũ Ngọc Hoàng bàn về kiểm soát quyền lực”.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Điều nhận thấy rõ nhất từ bài này là, đây là phát ngôn rõ ràng nhất bàn  về việc kiểm soát quyền lực hiếm hoi từ trước đến nay của một vị lãnh đạo.

Nhìn lại quá khứ, ông Hoàng chỉ rõ: “Để chuẩn bị tư tưởng cho cuộc đổi mới, lãnh đạo đất nước ngày ấy đã chủ trương phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Ông Hoàng cũng chỉ rõ, quá trình đổi mới đã khẳng định “Việc đó không làm Đảng mất uy tín như cách nghĩ cũ, mà ngược lại nhân dân và đảng viên thấy tăng niềm tin…”.

Từ cách đánh giá đó, Phó thường trực Ban Tuyên giáo cũng cho rằng để tiếp tục đổi mới “trước tiên phải nhìn thẳng sự thật, để thấy cái sai, cái yếu kém và tụt hậu của nước ta”. Đúng như ông khẳng định sau đó: “Muốn khắc phục tụt hậu thì trước tiên phải nhìn thấy mình tụt hậu.”

Để đổi mới thành công, trước tiên là phải đổi mới tư duy. Đảng đã nói và làm như vậy. Tuy nhiên, ông Hoàng đã nói thẳng, rất thẳng lý do cải cách của chúng ta chưa thật thành công: “Lúc đầu quả thật chúng ta có quan tâm việc đổi mới tư duy, rất tiếc là một thời gian sau đó tư duy bị chựng lại không tiếp tục đổi mới, cứ sợ “chệch hướng”, không dám đổi mới tiếp”.

Không dừng lại ở đó, ông Hoàng cũng đề cập tiếp nguyên nhân của nguyên nhân: “Nước ta chủ yếu mới đổi mới về kinh tế, mà cũng mới đi nửa đường, còn văn hóa và chính trị thì cơ bản chưa đổi mới, sắp tới cần đồng bộ và toàn diện trong công cuộc này”.

Trên cơ sở đó, Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng đề xuất rất rõ hướng khắc phục những tồn tại:

"Khẩn trương nghiên cứu để sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm  đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng…".

Nói về kiểm soát quyền lực, tôi nhớ đến bài “Quyền lực nằm ở niềm tin của nhân dân” (ngày 8.12.2015),  mà ông Hoàng trả lời phỏng vấn trên Báo Công an TPHCM.

Trong bài này, ông Hoàng nhấn mạnh: “Trong một gia đình, nếu thằng con hỏng thì có khi chỉ thằng con đó hỏng. Nhưng bố mẹ hỏng thì cả nhà hỏng. Vì thế, phải kiểm soát quyền lực”. Nói rõ hơn, ông nhắc lại lịch sử dân tộc: “Khi nào triều đình tha hóa quyền lực thì cũng là lúc giặc ngoại xâm lợi dụng cơ hội để tràn vào”.

Nhắc đến việc tha hóa quyền lực, tôi nhớ đến thông điệp được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn báo chí (được nhiều báo đăng tải ngày 30.12.2015):

“Chúng ta day dứt trăn trở trước thực trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn tồn tại và phải cương quyết phấn đấu để nước ta không nằm trong danh sách những nước có thực trạng tham nhũng cao trên thế giới”.

Và tôi tin, không phải ngẫu nhiên, nguyên thủ quốc gia và Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo đưa ra những thông điệp rất tâm huyết này.

Đấy là niềm tin của tôi, còn bạn thì sao?

Vương Hà