“Khuôn méo không đúc được sản phẩm tròn”
(Dân trí) - Đó là lời bàn của Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an về dự thảo nghị định thu hút công chức tài năng đang được Bộ Nội vụ soạn thảo.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, song song với việc thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài, phải xây dựng một bộ máy trong sạch. Cái gốc của việc tạo lập môi trường làm việc trong sạch, đó là phải khắc phục được tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tha hóa…
Có một điều chắc chắn, người có năng lực hiện nay không thiếu, nhưng bộ máy nhà nước không thu hút và sử dụng được nhân tài. Lý do vì sao tưởng cũng không khó lý giải, tệ nạn chạy chức, chạy quyền đã làm vẩn đục chốn công đường.
Những tồn tại yếu kém của nền hành chính công có nguyên nhân chủ yếu là do con người điều hành và thực thi yếu kém. Từ tồn tại của nền hành chính công sẽ dẫn đến các hệ lụy xã hội mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp phải gánh chịu. Thực tế có quá nhiều điều để chứng minh thuyết phục rằng, hậu quả là do sự hạn chế về năng lực của người điều hành, quản lý. Vậy thì, chỉ có cách thu hút người có năng lực vào làm việc trong hệ thống nhà nước thì mới thay đổi được chất lượng của nền hành chính công và tạo ra các sản phẩm xã hội có giá trị cao.
Chủ trương thu hút người tài không có gì mới, chuyện này cha ông chúng ta đã làm từ xa xưa. Hãy đến Văn Miếu, nơi khắc ghi tên tuổi những danh tài khoa bảng trên bia đá, sẽ thấy rằng cha ông chú trọng đào tạo, nuôi dưỡng và tôn vinh người tài như thế nào. Lịch sử cũng còn ghi rõ, nhân tài chỉ thực sự phát huy được tài năng khi có được minh quân biết trọng dụng, còn ngược lại, có khi càng tài càng bị nghi kỵ, ghen ghét, thậm chí mang họa vào thân.
Người có tài năng thực sự thường có nhân cách cao, có liêm sỉ và lòng tự trọng. Họ không luồn cúi để được thăng quan tiến chức, họ coi thường bả vinh hoa. Điều mà họ thao thức là được cống hiến, giúp ích cho dân cho nước. Cho nên, nếu gặp hôn quân thì họ cởi áo từ quan, về ở ẩn làm thơ, dạy học trò. Họ không để những thứ nhố nhăng của chốn quan trường làm vấy bẩn thanh danh của mình. Hình như ai đó có nói rằng, ở trên những đỉnh núi cao chỉ có chim phượng hoàng và loài bò sát. Thật đáng lo ngại khi trên những đỉnh cao lại có nhiều loài bò sát hơn chim phượng hoàng.
Thật thấm thía câu nói của Thiếu tướng Lê Văn Cương, cái khuôn méo không thể đúc được sản phẩm tròn. Một là vì, môi trường hành chính công quan liêu, tiêu cực thì người có tài đức không muốn bước chân vào. Hai là nếu bước chân vào, người tài cũng không thể phát huy được sở học, nguy hơn là có thể bị chính môi trường đó tha hóa, nhân cách bị méo mó theo cái khuôn bị lỗi.
Chúng ta đã nói quá nhiều đến thu hút nhân tài, trải thảm đỏ đủ các loại, nhưng thực tế không như những câu khẩu hiệu và những bài tuyên truyền hình thức. Những cuộc cạnh tranh để thăng tiến trong hệ thống cơ quan nhà nước còn quá nhiều điều chưa công bằng và chưa minh bạch. Tài năng thì phải thi thố công khai, nếu tuyển chọn diễn ra trong những không gian thầm kín thì dứt khoát kẻ chiến thắng chỉ là sản phẩm của sự sắp xếp hoặc buôn bán.
Sự sắp xếp, buôn bán đó cũng là một loại khuôn méo, tất nhiên không thể đúc nên được sản phẩm tròn.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!