Không thể tha cho những trò hèn hạ, đốn mạt

(Dân trí) - Tác giả Bình Minh của Dân trí ngày 10/3 đưa tin, chính quyền địa phương xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá đang phối hợp với công an huyện Yên Định điều tra, làm rõ việc 4 sào (tương đương với gần 2.000 m2) ớt của gia đình ông Nguyễn Văn Thành nghi bị kẻ xấu dùng thuốc diệt cỏ liều cao phun huỷ hoại.

Không thể tha cho những trò hèn hạ, đốn mạt - 1

Tính cả tiền đầu tư, công sức, ruộng ớt héo úng, khô cháy… khiến gia đình ông Thành mất trắng gần 100 triệu đồng.

Điều đau xót, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Thành. Gia đình ông trồng ớt hàng chục năm nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như thế và ở trong làng, ông Thành khẳng định “chưa từng có mâu thuẫn với ai”.

“Từ hôm vườn ớt bị hủy hoại đến nay, gia đình tôi để nguyên ruộng ớt xem có cây nào sống được không, nhưng hầu hết quả ớt mọc ra lại bị héo úng, khô cháy... Không biết ai mà ác thế, vợ chồng tôi giờ già yếu, trông chờ vào mấy sào ruộng nay lại bị hủy hoại hết”, ông Thành giãi bày với báo chí.

Đành rằng, đã bắt tay làm nông là đã phải chấp nhận nhiều rủi ro, từ thiên tai, địch hoạ cho đến cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa… Nhưng rủi ro bị chính tay con người phá hoại, mất trắng như thế này thì quá là oan ức, quá là phẫn nộ.

Đáng buồn thay, chuyện “kẻ xấu phá hoại” mùa màng của người làm nông thời gian gần đây lại xảy ra liên tục. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2018, hàng loạt vụ phá hoại diễn ra trên nhiều địa bàn trong cả nước, nhắm vào thành quả của người nông dân:

70 gốc đào thế lâu năm của nhà ông Nguyễn Văn Sinh ở P. Võ Cường, TP Bắc Ninh bị kẻ gian chặt phá, nhiều cây bị chặt tận gốc, cây thì bị chặt cành, cây bị phạt cụt ngọn…

300 cây quất chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất của hai hộ nông dân Lê Huy Việt (43 tuổi) và Vũ Đức Huế (36 tuổi), cùng trú tại thôn 7, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vừa qua bị chết khô bất thường vì thuốc diệt cỏ.

Tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long, 3 hộ dân cũng bị kẻ xấu phun thuốc diệt cỏ vào ruộng khoai lang, thiệt hại hàng trăm triệu đồng…

Rồi nào dứa, nào mía, nào dưa… cùng rất nhiều nông sản khác, người làm nông hai sương một nắng, vất vả cả năm sắp đến ngày thu hoạch thì bị những bàn tay nhơ bẩn phá tàn phá hại. Không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi trên những cánh đồng héo khô, nồng mùi thuốc sâu, hay nham nhở vết dao chặt phá…

Ấy thế mà, dù đã báo công an, cậy nhờ chính quyền can thiệp, hầu hết các vụ phá hoại đó không tìm được kẻ thủ ác, chủ mưu. Phá hoại tài sản, gây hoang mang trong dân chúng, khiến bao nhiêu người lâm vào tình cảnh khốn đốn, khốn cùng… nhưng “kẻ xấu” vẫn cứ là “kẻ xấu” – một từ phiếm chỉ, chẳng biết nhắm vào ai, chúng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp.

Vì không bắt được tận tay, day tận mặt nên cũng thật khó hiểu về động cơ của những bàn tay phá hoại. Ghen ăn tức ở? Ngứa mắt? Trả thù vặt?… Người viết không rành về tâm lý tội phạm, chỉ biết rằng, thực tế cho thấy, không ít vụ án tày đình xuất phát từ một vài cái cớ còn con. Trong xã hội, gọi chung là “thói tiểu nhân”, sự hung hãn của kẻ “côn đồ”.

Đành rằng, để loại bỏ thói côn đồ, tiểu nhân đó, căn nguyên vẫn phải đến từ giáo dục. Một nền giáo dục chỉ trọng điểm số, bằng cấp, không lấy giáo dục nhân cách, lễ nghĩa làm trọng…, một xã hội mà đến cả phụ huynh còn coi thường thầy cô giáo, thì tương lai sản sinh ra những kẻ khuyết tật về nhân cách là điều khó tránh khỏi.

Tuy vậy, trước mắt, có lẽ đây là câu chuyện trách nhiệm của chính quyền, của những người thi hành luật pháp.

Trong vụ hàng nghìn m2 ớt bị phá, ông Thành có than phiền rằng, ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình ông đã báo cáo lên HTX Yên Phong nhưng từ đó đến nay, hơn một tháng sau vụ việc, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có động tĩnh gì.

Nếu đến chuyện bảo vệ tài sản chính đáng của nhân dân, mang lại sự an tâm cho nhân dân sản xuất mà chính quyền không làm được, thì hỏi tránh sao “kẻ xấu” vẫn hoành hành?!

Bích Diệp