Không sống bằng bánh vẽ

(Dân trí) - Tối 26.8, gần 60 công nhân Nông trường Cao su Dầu Giây thuộc Cty Cao su Đồng Nai bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện. Theo nhận định ban đầu, họ đã bị ngộ độc và lần lượt ngất xỉu sau bữa cơm trưa tại nông trường.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
Gần đây, thông tin công nhân ngộ độc vì suất ăn công nghiệp tràn đầy trên mặt báo, có nhiều suất ăn người ta phát hiện giòi bò lúc nhúc trong thịt và các loại thực phẩm khác. Nghe đến đã muốn ngất xỉu, chưa cần phải ăn. Nhưng đó là thực tế của xã hội mà người có trách nhiệm không thể né tránh.

Báo chí điều tra và phân tích, một suất cơn công nhân có giá từ 10.000 – 13.000 đồng/người, nhưng chỉ vô miệng của người ăn từ 5.000 – 10.000 đồng, bởi vì suất ăn đó qua nhiều khâu trung gian, mất tiền ăn chia hoa hồng, vận chuyển, hao hụt nấu nướng, lợi nhuận nhà thầu vv… Công nhân đã vắt kiệt sức trong nhà máy, bữa ăn để tái tạo sức lao động lại cũng bị bóc lột thêm lần nữa. Hậu quả là bữa ăn thừa chất độc, thiếu dinh dưỡng, sức lực ngày càng suy kiệt.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học về dinh dưỡng trong bữa ăn công nghiệp và tất nhiên, kết quả công bố luôn là tiếng cảnh báo đau lòng, công nhân ăn không đủ chất, thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của giống nòi. Nhưng tất cả những lời cảnh báo đó đều rơi vào thinh không, chẳng ai buồn suy nghĩ.

Nhiều người bỏ quê nhà tìm đến các tỉnh, thành công nghiệp làm công nhân với hy vọng đổi đời nhưng không như họ nghĩ. Ở trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, người lao động bị vắt kiệt sức, nhưng đồng lương không đủ sống. Họ phải ở trong những nhà trọ thuê tập thể chật chội, phải ăn những thực phẩm kém chất lượng, rẻ tiền vì không có sự lựa chọn khác. Thậm chí ngày lễ tết, một số người không thể về thăm quê vì không có tiền tàu xe. Còn việc giải trí, phim ảnh nghệ thuật, báo chí sách vở là những thứ xa xỉ không có trong tự điển của họ.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đôi lúc phải nhìn ở mặt trái, nếu không chúng ta sẽ bị những khu công nghiệp hoành tráng kia làm lóa mắt. Mục đích của phát triển nông nghiệp hay công nghiệp, hiện đại hay thủ công là để cho con người được sống đầy đủ, no ấm. Nhà máy mọc lên cho nhiều nhưng nếu những con người làm việc trong đó sống trong nghèo nàn, bệnh tật về thể xác và hao mòn về tinh thần thì nhà máy có đồ sộ đến mấy cũng vô nghĩa.

Hãy dẹp đi những mĩ từ ồn ào mà thay vào đó là thực phẩm. Người ta sống không phải bằng bánh vẽ mà bằng bánh thật và bánh đó không bị nhiễm độc.

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!