Không nói đúng ý dân thì đừng trưng cầu ý dân
(Dân trí) - “Dân nói là A thì cũng phải quyết là A, không thể nói A nhưng lại công bố là B. Đã trưng cầu thì ý dân là quyết định còn nếu không thì đừng trưng cầu”, đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật trưng cầu ý dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một ý kiến rất quan trọng được nêu ra và đây cũng là điểm cơ bản nhất, đó là tôn trọng ý dân, còn không thì đừng trưng cầu làm gì cho mất thì giờ của dân.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về các điều, khoản của Dự thảo Luật trưng cầu ý dân, nhưng tất cả các điều khoản đó dù chặt chẽ, khoa học đến đâu cũng vô nghĩa khi dân nói A mà công bố B. Hay nói cách khác, khi kết quả trưng cầu ý dân không được công bố đúng sự thật, mà nói sai sự thật, bóp méo sự thật. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã cảnh báo một điều mang tính cốt lõi của việc thực thi pháp luật liên quan đến việc trưng cầu ý dân.
Cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở, bởi vì trên thực tế vẫn tồn tại những điều không không minh bạch. Ví dụ như công bố có 95 % cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ, hoặc gần 1 triệu cán bộ thực hiện kê khai tài sản nhưng chỉ có một người kê khai không trung thực.
Đấy cũng là những con số được tập hợp từ các cơ sở, không biết những con số đó được “xào nấu” như thế nào, để cho ra một kết quả thiếu tính thuyết phục đến mức hoặc là chọc cười dân, hoặc chọc giận dân.
Ai có thể chấp nhận được con số 95% cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ? Ai có thể tin được chỉ 1/1 triệu cán bộ kê khai tài sản không trung thực? Không mấy ai tin, nhưng nó vẫn cứ được công bố đầy tự tin, thế thì chẳng khác gì ép dân phải tin những điều không đúng sự thật.
Chỉ nhìn thực trạng của nền hành chính công thì biết có bao nhiêu phần trăm cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ, chỉ đọc những vụ án tham nhũng được đăng trên báo cũng đủ để thống kê vượt quá con số 1 cán bộ kê khai tài sản không trung thực. Điều này thì không cần phải mất thì giờ để điều tra khảo sát.
Vậy khi trưng cầu ý dân thì sao, liệu những công bố sau khi tập hợp có đúng với ý dân? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước khẳng định, Quốc hội không được làm trái những điều dân đã quyết. Dân quyết thì Quốc hội phải ra nghị quyết và có lộ trình thực hiện ý chí của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, nói lên tiếng nói của dân, thực hiện ý chí của dân. Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế không phải luôn đồng hành với lý thuyết. Cho nên, cảnh báo của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng luôn có giá trị.
Lê Chân Nhân