Không có mấy chục “chai”, cứ cổ dài mà… đợi!
(Dân trí) - Nói trắng ra, thiếu hay không thiếu chẳng liên quan gì cả, nếu không có mấy chục “chai” thì cứ “cổ dài” mà đợi!.
Chuyện sinh viên ra trường không có việc làm ở ta không lạ. Chuyện chạy chức, chạy quyền cũng không lạ. Chuyện “chạy việc” lại càng không lạ.
Càng không lạ bởi chạy chức, chạy quyền tưởng là nhiều nhưng lại không nhiều. Không nhiều bởi số người có thể “chạy” chức, quyền không nhiều. Nhưng chạy việc thì nhiều vô kể.
Nói nhiều vô kể bởi đây chủ yếu là đối tượng sinh viên mới ra trường. Mỗi năm, cả nước có hàng chục vạn sinh viên ra trường thì cũng có… gần bằng con số ấy chạy việc.
Chạy bằng quan hệ tình cảm. Chạy bằng “tổ đổi công”, anh nhận con tôi, tôi nhận cháu anh. Chạy bằng tình cảm dành cho con ông cháu cha, cách chạy “đổi chác” cũng dành cho con cha, cháu ông… Song phổ biến nhất vẫn là chạy bằng tiền. Dân thì chỉ có cách chạy là vén vén cái ruột tượng, “bác giúp, hết bao nhiêu em gửi”.
Cách chạy này không kém hiệu quả, thậm chí còn có kết quả khá chắc chắn. Chỉ có điều, nó hơi “lục tốn”. Giá của nó bao nhiêu? Không có bảng niêm yết. Thế nhưng nó có “giá làng” cả. Cái giá ấy nhiều khi cũng bị đẩy lên bởi bọn “cò” và mỗi nơi mỗi khác.
Không biết các nơi bao nhiêu bởi chẳng có ai trên 63 cái tỉnh thành này nói ra. Hình như mới chỉ có một lần “buột miệng” của ông Chánh thanh tra Hà Nội Trần Trọng Dực nói rằng chạy công chức với giá cả “trăm triệu đồng”.
Thế nhưng cái con số ông Dực nêu thì nhiều bạn đọc không tin vì nó… quá thấp. Nhiều người quả quyết rằng, nó phải nhiều “trăm triệu” đồng.
Cứ ngỡ giáo viên mầm non là nghề “dễ chạy” nhất bởi cung luôn không đáp ứng cầu. Thế nhưng gần đây, báo điện tử Dân trí đăng thông tin nhiều sinh viên ra trường phản hồi phải có vài chục triệu đồng mới vào được trường mầm non để đi dạy.
Tại Hội thảo “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non ở TPHCM” do Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 19/6, nhiều đại biểu chỉ ra thực trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Đặc biệt là ở TPHCM, tình trạng này được xem là một thách thức khi việc đào tạo liên tục nhưng vẫn chưa giải quyết được.
ThS Hồ Ngọc Kiều, Phòng Thanh tra (CĐ Sư phạm Long An) nói thẳng: “Ở nơi khác tôi không biết nhưng chỗ tôi, nhiều sinh viên ra trường nói rằng phải có vài chục “chai” (triệu -PV) mới vào được trường mầm non, mới trở thành giáo viên.
Có những bạn ra trường rất tự tin khi tham gia tuyển dụng vì có khả năng, có tay nghề. Nhưng cuối cùng lại rớt, những ứng viên khác kém hơn lại được chọn. Khi các bạn đến hỏi thì nơi tuyển dụng cũng không trả lời được”, bà Kiều kể.
Thử tính một sinh viên theo học đại học 4 năm, mỗi năm gia đình đã tốn kém ít nhất cỡ 40 – 50 triệu, tức là khoảng gần 200 triệu đồng. Khi ra trường, lại mất từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để “chạy”, số tiền tổng thể đã lên đến vài trăm triệu, một khối tài sản phải nói là rất lớn với người nông dân.
Trong khi đó nếu có việc, mỗi tháng giáo viên mầm non thu nhập không quá 3 triệu đồng, tữc là phải mất cỡ… 100 tháng, bằng 8 năm đi dạy không lương. 8 năm cộng với 4 năm là 12 năm “treo niêu”, họ sẽ sống bằng gì?
Vì thế, không ít sinh viên ra trường đành đi làm công nhân vậy.
Sinh viên đi làm công nhân tức là lại bắt đầu một cuộc “học” mới bởi làm công nhân bây giờ cũng cần phải có kỹ năng, không phải cứ vào là làm được.
Trở lại với cuộc hội thảo trên, rõ ràng việc thiếu giáo viên là có thật. Thế nhưng thiếu mà vẫn phải “chạy” thì thật là vô lý.
Tiếc thay, cái sự vô lý ấy lại luôn hiện hữu trong đời sống xã hội Việt Nam ta.
Nói trắng ra, thiếu hay không thiếu chẳng liên quan gì cả, nếu không có mấy chục “chai” thì cứ “cổ dài” mà đợi!.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!