Không chỉ phạt tù mà cần phải “thiến hóa học”!

(Dân trí) - Tóm lại, với “yêu râu xanh”, không chỉ phạt tù mà còn “thiến hóa học”, phải không các bạn?

Không chỉ phạt tù mà cần phải “thiến hóa học”! - 1

Những ngày qua, nghị trường sôi động trong phiên thảo luận về kết quả báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Phải nói rằng, việc xâm hại trẻ em luôn là vấn đề hết sức bức xúc, gây căm phẫn dư luận xã hội từ lâu. Điều đau xót hơn, tình trạng này chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo số liệu báo cáo trình Quốc hội, có giai đoạn một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại (trung bình 7 em/ngày) và 84 trẻ mang thai.

Đây là con số đáng báo động. Song, chắc chắn chưa phải là con số chính xác bởi thực tế, sẽ còn cao hơn rất nhiều mà vì lý do này hay lý do khác, chưa được thống kê.

Về đối tượng xâm hại, báo cáo cho thấy 90% là những người thân quen. Trong đó, có đủ các thành phần, tuổi tác. Giáo viên có, cán bộ - công chức có, người nhỏ tuổi và người cao tuổi đều có…

Về nguyên nhân, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, sự xuống cấp đạo đức xã hội, thực trạng lạm dụng rượu bia, chất kích thích chưa được ngăn chặn.

Phim bạo lực, phim khiêu dâm độc hại trên mạng tràn lan. Gia đình thiếu sự chăm sóc. Khi để xảy ra xâm hại, chưa cá nhân, tổ chức nào bị xử lý.

Không đồng ý với nguyên nhân “tác động mặt trái của kinh tế thị trường”, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt chỉ đạo phòng chống xâm hại trẻ em. Thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này.

"40/63 tỉnh, HĐND tỉnh, Thành phố chưa có nghị quyết chuyên đề chỉ đạo nội dung này mà chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về KT - XH, nội dung chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu. Tôi cho đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. ĐB Vân nói.

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, song, có một nguyên nhân được tất cả các đại biểu thống nhất, đó là hình phạt cho tội danh này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Đặc biệt, với tội xâm hại tình dục trẻ em, một số đại biểu đề xuất biện pháp “thiến hóa học” (người chịu hình phạt sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ testosterone trong cơ thể giảm thấp nhất khiến mất nhu cầu tình dục), cho lao động công ích và công khai danh tính như nhiều nước trên thế giới đang làm và có hiệu quả.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có những tội ác không thể tha thứ, khoan hồng như giết người, buôn bán ma túy, xâm hại tình dục trẻ em…

Đây là những tội ác không chỉ man rợ mà còn ghê tởm, đáng phải có những hình phạt nghiêm khắc nhất bởi nó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo làm người.

Mặt khác, những tổn thương về thể xác và tinh thần đối với các em là vĩnh viễn không thể bù đắp.

Do đó, để ngăn chặn, răn đe cần sử dụng biện pháp nghiêm khắc, cụ thể là vừa tăng hình phạt đồng thời “thiến hóa học” bắt lao động công ích và công khai danh tính như ý kiến của nhiều đại biểu đề xuất.

Tóm lại, với “yêu râu xanh”, không chỉ phạt tù mà còn “thiến hóa học”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám