Không chỉ “nuôi ong tay áo” mà còn là “nuôi cáo… chuồng gà”!

(Dân trí) - Người dân bỏ tiền nuôi một bộ máy khổng lồ để kiểm tra, giám sát tiền của cho dân. Nếu mà “chén chú, chén anh”, “lợi dụng nhiệm vụ”, “bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán” để vụ lợi thì không chỉ là “nuôi ong tay áo” mà còn là “nuôi cáo chuồng gà”.

Không chỉ “nuôi ong tay áo” mà còn là “nuôi cáo… chuồng gà”! - 1

 

Thông tin từ báo Dân Việt cho biết, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký công điện về việc “Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ”.

Theo đó, yêu cầu giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan của kiểm toán viên nhà nước.Cụ thể:
Không được đánh bạc dưới mọi hình thức.
Không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán.
Không lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi.
Không được uống rượu, bia và hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán.
Nghiêm cấm việc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán…

Đây là những qui định rất cần thiết mặc dù trong những điều cấm kể trên, có cả những hành vi vi phạm pháp luật như tội đánh bạc hay lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi chẳng hạn. Mặc dù trong thực tế, nó đã và có thể sẽ còn diễn ra.

Tuy nhiên, chỉ với “lỗi” nhỏ nhất, mang đầy “tình cảm” là “bữa cơm thân mật” thì ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ rất cương quyết:

“Nếu để cán bộ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nhậu nhẹt với đơn vị đang được kiểm tra, kiểm toán là không chấp nhận được. Có lúc rượu bia nói thay anh thì sao? Chưa kể việc ăn uống như vậy dễ khiến cán bộ thực hiện thanh tra, kiểm tra mủi lòng, sinh ra tâm lý nể nang, né tránh khi thực hiện công vụ”.

  1. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế rành rẽ: “Người thực hiện thanh tra và người bị thanh tra không thể cùng ngồi ăn, uống cà phê, chứ chưa nói tới chuyện nhậu nhẹt, hát karaoke cùng nhau”.

Có lẽ cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát ở tất cả các dự án, trong đó có cả các dự án nhiều, nhiều ngàn tỉ đồng nhiều năm qua, không thể không nói đến trách nhiệm của những cơ quan kiểm tra, giám sát.

Không ít những cơ quan, đơn vị hàng năm vẫn có các cuộc thanh tra, kiểm toán nhưng không (hoặc làm như không?) biết và chỉ đến khi số tài sản của dân, của nước đội nón “ra đi đầu không ngoảnh lại” thì khi đó, mới tá hỏa cả lên.

Thế nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, “trăm dâu” đổ cả vào đầu dân, còn tất cả vẫn “vô can”, không có bất cứ cá nhân nào của các cơ quan thuộc lĩnh vực trên bị mảy may kỉ luật.

Nhớ lại trong một phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã nói đại ý rằng nếu như công tác thanh tra, kiểm soát phát hiện và cảnh báo sớm thì đã không xảy ra những vi phạm trầm trọng sau này.

Trả lời câu hỏi “Có ý kiến chia sẻ rằng nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có cả ông Đinh La Thăng nói giá mà kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề. Phải chăng công tác phát hiện, kiểm tra, giám sát của chúng ta còn chậm, thưa ông?” của PV báo Vietnam Net, ông Vũ Quốc Hùng nói:

“Có thể nói rằng, tổ chức Đảng ở đây đã tê liệt. Ủy ban Kiểm tra của đảng bộ này không hoạt động, không kiểm tra khi thấy đảng viên có dấu hiệu vi phạm”.

Trở lại với công điện của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đây là qui định cần thiết, song cũng không thể nói khác, văn bản là một chuyện, thực hiện lại là một chuyện khác, thậm chí nhiều khi rất cách xa nhau.

Tóm lại, người dân bỏ tiền nuôi một bộ máy khổng lồ để kiểm tra, giám sát tiền của cho dân. Nếu mà “chén chú, chén anh”, “lợi dụng nhiệm vụ”, “bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán” để vụ lợi thì không chỉ là “nuôi ong tay áo” mà còn là “nuôi cáo chuồng gà”.

Quyền hạn luôn gắn cùng trách nhiệm, không thể để tình trạng “sống chết mặc bay…” bởi tiền bạc nhà nước và lòng tin của dân không phải là lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm!

 

Bùi Hoàng Tám