Khi Thủ tướng “xin lỗi dân”, thân hành… đi chợ & chuyện “kênh dân”!
(Dân trí) - Mong rằng Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để gần dân, lắng nghe ý kiến của dân bởi chỉ có qua “kênh dân”, người đứng đầu Chính phủ mới có được những thông tin khách quan, trung thực, nóng bỏng và không bị “làm hàng” từ thuộc cấp, phải không các bạn?
Sáng 27/9, trước khi làm việc với UBND TP. Hà Nội về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát chợ đầu mối Long Biên. Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, cung cấp các loại hoa quả, nông sản, thủy sản cho người dân Thủ đô và cả vùng phụ cận. Dó đó, cũng là một trong những chợ trọng điểm cần được kiểm soát chặt chẽ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một số quầy hàng, trò chuyện với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ và lưu ý các hộ kinh doanh phải mua bán các loại rau quả, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng.
“Bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân”. Thủ tướng nói.
Chuyến đi chợ vào sáng sớm tuy đột ngột nhưng không làm bà con ở đây bất ngờ có lẽ bởi nhiều người dân đã quen với phong cách gần dân của Thủ tướng từ khi ông còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chưa tham gia Chính phủ.
Mới cách đây ít lâu, khi đoàn xe tháp tùng Thủ tướng đi vào phố cổ Hội An, dư luận phản ánh, dù không ngồi trên xe (Thủ tướng đi bộ), ông đã “phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm” và nhận “trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt”.
Không chỉ có xin lỗi suông, ngay sau đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ ra qui định về việc tham gia đoàn công tác địa phương của lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường.
Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố không quá 3 ôtô (bao gồm xe chung của Bí thư, Chủ tịch và xe chung của các sở, cơ quan khác theo yêu cầu); Thứ trưởng trở xuống, các thành phần khác tham gia đoàn công tác đi xe chung do Văn phòng Chính phủ bố trí (bộ trưởng được đi xe riêng).
Một quyết định có phần khắt khe và cứng rắn. Song, nó thể hiện rất rõ phương châm “nói đi đôi với làm” như trong diễn văn khi Thủ tướng nhậm chức.
Trở lại với chuyến đi chợ, tất nhiên, Thủ tướng đi chợ không phải mua sắm như bà nội trợ mà để gần dân và hiểu dân, động viên nhân dân. Có một nhà văn phương Tây nhiều năm đến Việt Nam nói rằng, muốn hiểu về một vùng đất thì dứt khoát phải ít nhất một lần đi chợ bởi chợ không chỉ thể hiện sự phát triển của kinh tế, mối quan hệ xã hội mà còn là văn hóa của người Việt.
Nói một cách khác, chợ chính là tấm gương phản ánh đời sống mọi mặt của một vùng đất.
Song, chuyến thăm chợ của Thủ tướng còn có một mục đích cụ thể và sâu sát hơn nữa, đó là kiểm tra tư liệu cho cuộc làm việc với TP Hà Nội về vấn đề này ngay sáng hôm đó.
“Xin lỗi dân”, sửa chữa khiếm khuyết, trực tiếp đi chợ kiểm tra… Đó là tinh thần gần dân, lắng nghe dân để xây dựng một Chính phủ liêm chính.
Mong rằng Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để gần dân, lắng nghe ý kiến của dân dù biết ông rất bận. Song, chỉ có qua “kênh dân”, người đứng đầu Chính phủ mới có được những thông tin khách quan, trung thực, nóng bỏng và không bị “làm hàng” từ thuộc cấp, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám