Khi Thủ tướng vẫn phải chỉ đạo xử lý cả những chuyện nhỏ
(Dân trí) - Cách đây hơn 1 năm (tháng 7/2017), ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa- Hà Nội đã xảy ra việc công chức làm sai khi cấp giấy chứng tử cho công dân. Tuần qua, đã xảy ra một vụ con bị tai nạn, bố đi xin cấp chứng tử 3 lần không được. Và lần này, đích thân Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo.
Như Dân trí đã đưa tin trong một bài báo đăng tuần trước (ngày 27/12), ôngTrần Văn Hoàng (56 tuổi, ngụ phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) 3 lần đi khai tử cho con gái 12 tuổi tử vong do bị tai nạn giao thông nhưng bị cán bộ UBND phường Tân Phước Khánh gây khó dễ.
Do các cấp bên dưới xử lý chậm chạp, Văn phòng Chính phủ đã phải có một công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Bình Dương để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh hành vi gây khó khăn cho người dân trong giải quyết thủ tục đăng kí khai tử. Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải xử lý nghiêm nếu có có sai phạm và giải quyết tình trạng này một cách triệt để, báo cáo lại cho Thủ tướng trước ngày 14/1/2019.
Nhiều độc giả Dân trí đã tỏ ra rất bức xúc trước câu chuyện trên và càng bức xúc hơn khi thấy ngay trong cách kiểm tra lại sự việc, nhận sai và ngay cả văn bản xin lỗi người dân của UBND phường Tân Phước Khánh cũng đã làm cẩu thả. Cụ thể, ngày 11/12/2018, gia đình ông Trần Văn Hoàng liên hệ xin cấp giấy chứng tử thì lạ thay, văn bản xin lỗi hóa ra đã làm, ký từ ngày ...20/11/2018. Thật hết biết.
Không chỉ độc giả Dân trí mà ý kiến nhiều người dân trên phần bình luận của nhiều tờ báo khác, trên mạng xã hội (facebook) về sự việc này cũng lấy làm ngạc nhiên, vì sao một sự việc nhỏ như vậy mà phải để Thủ tướng phải chỉ đạo? Thế thì các ông lãnh đạo Phường, rồi trên nữa là lãnh đạo thành phố, tỉnh...đâu hết rồi?
Tất nhiên là những chỉ đạo của Thủ tướng đối với các vụ việc dù nhỏ nhưng gây bức xúc trong dư luận là luôn rất đáng trân trọng. Từ những vụ chỉ đạo xử lý cán bộ cấp cơ sở có cách can thiệp, xử lý không đúng với quán cà phê "Xin chào" trước đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến vụ việc này ở Bình Dương cho thấy, Thủ tướng rất sâu sát đến công tác cải cách thủ tục hành chính ở cấp cơ sở. Sự sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo đó, tất nhiên, sẽ buộc các cấp lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương phải tâm phục và có trách nhiệm cao hơn trong việc giải quyết các thủ tục, yêu cầu của người dân khi đến làm việc với cơ quan công quyền. Và người dân cũng đánh giá cao người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ khi quan tâm cả đến những việc tưởng như rất nhỏ.
Tuy nhiên, kể từ vụ việc có những việc làm sai trong việc cấp giấy chứng tử cho dân (dù không sai đến mức như vụ vừa xảy ra ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội trước đây đến vụ việc này, cho thấy, ở đâu đó, vẫn có tình trạng trì trệ, không có thay đổi trong công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở cấp cơ sở.
Trong khi đó, cả một bộ máy lãnh đạo từ cấp Phường đến cấp tỉnh, thành phố lại chậm tiếp nhận, nắm bắt thông tin để xử lý kịp thời, để cho người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo thì lãnh đạo các cấp chính quyền bên dưới và kể cả vị “tư lệnh” nào phụ trách lĩnh vực này đã chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Họ cần phải nhìn lại mình, xấu hổ trước văn bản chỉ đạo của Thủ tướng và phải có thái độ, trách nhiệm cao hơn nữa thì công cuộc cải cách thủ tục hành chính mới có thể có chuyển biến mạnh.
Mạnh Quân