Khi Thủ tướng tự nhận mình “tôi cũng quan liêu”!
(Dân trí) - Đó là lời tâm sự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 diễn ra ngày 26/2. Sau khi nghe các doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn trong công tác xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như sau: “Tôi cảm thấy rất tiếc là tôi cũng quan liêu. Nếu nghe được những ý kiến đó sớm sẽ góp phần giúp các đồng chí giải quyết”.
Đây có thể nói là tâm sự cũng là lời tự phê của Người đứng đầu Chính phủ trong lĩnh vực này.
Chỉ còn ít tháng nữa, nếu không có gì thay đổi, theo cơ cấu tổ chức của Việt Nam ta hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ kết thúc nhiệm kỳ công tác sau 10 năm điều hành Chính phủ.
Nhìn lại 2 nhiệm kỳ qua, Thủ tướng đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức như lời ông tâm sự: “Khi bước vào nhiệm kỳ thách thức rất lớn, đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau đó là nền kinh tế phục hồi chậm, giá cả diễn biến không lường được, diễn biến phức tạp. Tình hình chính trị thế giới phức tạp, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ… Tất cả đã tác động trực tiếp vào Việt Nam”.
Thế nhưng bằng nhiệt huyết và cả sự nỗ lực rất lớn, cùng với toàn Đảng, toàn Dân và những người đồng chí trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, con thuyền đất nước vượt qua sóng gió, ổn định về chính trị, phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, mở rộng quan hệ đối ngoại…
Không chỉ những việc lớn như hoạch định chiến lược và sách lược đối với đất nước, Thủ tướng không nề hà đối với cả những việc nhỏ nhất. “Chính tôi đi gặp Bush nói về thanh long; gặp Obama, nói tới luật Nông trại của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến cá basa. Gặp Thủ tướng Hàn Quốc nói tới trái dừa, Úc nói tới vải, Nhật nói tới trái xoài… Các đồng chí tham tán phải làm. Như tôi và ông Vũ Huy Hoàng đàm phán kinh tế Á - Âu, Thủ tướng Armenia tặng 2 chai rượu ngon và nói Việt Nam cần mở cửa thị trường. Tôi có lấy về, mở mời anh Vũ Huy Hoàng uống. Kinh tế là chính trị". Thủ tướng nói.
Hành động, hành động và hành động.
Đó là phẩm cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một phẩm cách đã được trui rèn từ khi còn làm giao liên trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, người lính trong công cuộc bảo vệ biên cương Tổ quốc và sau này, khi là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn luôn là con người của hành động.
Cùng với khát vọng thống nhất đất nước, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc, ở ông còn cháy bỏng khát vọng làm cho đất nước giàu mạnh bởi ông hiểu rằng nghèo là khổ lắm, là cơ cực lắm, là “co ro” lắm như lời ông tâm sự: “Kinh tế mà không phát triển đừng nói chuyện khác, nghèo khó nói chuyện lắm, nợ nần người ta đòi đủ thứ. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro lắm”.
Chợt nhớ lời tâm sự của ông Phan Văn Khải khi còn làm Thủ tướng với Nhà báo Xuân Ba, đại ý ông nói làm dân một nước nghèo đã khổ, làm thủ tướng một nước nghèo cũng chẳng sung sướng gì.
Dân có giàu thì nước mới mạnh. Nước có giàu thì mới bảo vệ được nền độc lập thật sự bởi khi đã là “con nợ” của người ta, khó ăn, khó nói, khó “độc lập” lắm.
Trở lại với lời tự phê của Thủ tướng, cách đây 2 năm (4/2014), tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, ông kể rằng bình bầu ở cơ quan, ông chỉ nhận mình “hoàn thành nhiệm vụ”: “Có 4 mức: Xuất sắc, tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Tôi chỉ nhận mức hoàn thành thôi, gần mức chót. Chi bộ cho là xuất sắc, nhưng tôi kiên định chỉ nhận ở mức hoàn thành. Tôi cũng bày tỏ với Bộ Chính trị rằng nhận hoàn thành còn thấy có cái chưa được. Tôi xin nói nghiêm túc thế. Đứng về chức năng nhiệm vụ mình nhận, nói hoàn thành là còn e ngại”.
Tự đánh giá về mình “còn thấy có cái chưa được” và “hoàn thành là còn e ngại”, "tôi cảm thấy rất tiếc là tôi cũng quan liêu" là phẩm cách khiêm tốn của một người cộng sản.
Bùi Hoàng Tám