Khi “rác văn hóa” chầu chực, đe dọa con em chúng ta khắp mọi nơi!

(Dân trí) - Chiều 12/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã thi hành lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Phúc (SN 1983, tức Phúc XO) để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Khi “rác văn hóa” chầu chực, đe dọa con em chúng ta khắp mọi nơi! - 1

Và như vậy, thêm một hiện tượng vốn nổi đình nổi đám trên mạng xã hội (thậm chí còn được coi là “thần tượng” của giới trẻ) bị dính vào lao lý. Trước đó là diễn viên “Cu Thóc” bị bắt quả tang sử dụng ma tuý trong quán karaoke, “giang hồ” Khá Bảnh bị khởi tố về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc hồi đầu tháng 4 này.

Nếu như Khá Bảnh nổi tiếng với những video livestream gây sốc và phản cảm thì Phúc XO nổi lên với biệt danh “đại gia đeo nhiều vàng nhất Việt Nam”. Thông tin “Phúc XO bị bắt” chính vì vậy gây tò mò lớn cho công chúng, trở thành từ khoá được cộng đồng mạng tìm kiếm nhiều nhất trong ngày 10/4 trên Google.

Phúc XO từng khoe đeo tới 13 kg vàng cổ vũ trong trận bán kết lượt về bóng đá giữa Việt Nam và Philippines ở giải AFF Suzuki Cup 2018 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cho đến khi Phúc bị bắt thì người ta mới “ngã ngửa” ra rằng, nhẫn, dây chuyền, mũ vàng của Phúc XO đều là giả và đến cả những chiếc xe dát vàng thực ra cũng chỉ là mạ xi và đồng.

Thôi thì có dùng vàng thật hay vàng giả cũng là sở thích cá nhân, không có gì phải bàn hay lên án. Vấn đề là những sở thích đó có đúng pháp luật hay không. Ở đây, việc Phúc XO sử dụng xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị cà số khung, sườn, dùng biển số giả thì rõ là đã vi phạm pháp luật. Ấy thế mà, một thời gian dài anh ta vẫn được tung hô và ngưỡng mộ bởi chính những hành vi ấy.

Thoạt đầu, tôi bất ngờ bởi vì sao những thanh niên như Khá Bảnh, Phúc XO lại có thể là mẫu hình “thần tượng” của giới trẻ, được nhiều người tung hô, đi đến đâu đều có “fan hâm mộ” xin chụp ảnh đến đó? Tên tuổi của họ nổi “như cồn” và những thông tin về họ, những video của các nhân vật này còn thu hút lượng người xem nhiều hơn cả những tin tức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị của đất nước.

Nếu là một vài trường hợp đơn lẻ thì còn có thể coi là “hiện tượng”, nhưng dường như đây là một xu hướng mới, mà nhà báo Bùi Hoàng Tám trong blog ngày 3/4/2019 đã gọi là “hội chứng lệch chuẩn”. Không ngẫu nhiên mà Phúc XO hay Khá Bảnh “nổi tiếng”. Họ nắm bắt được tâm lý sùng bái vật chất và cả xu hướng bạo lực của một bộ phận giới trẻ và chỉ cần một vài chiêu trò là đã nổi tiếng.

Cho nên chuyện Khá Bảnh hay Phúc XO bị bắt đã chẳng còn là những câu chuyện của một vài cá nhân, của những “hiện tượng mạng”. Đó là câu chuyện của những nhà quản lý, những người làm văn hoá, những nhà giáo dục và của những bậc làm cha làm mẹ. Chẳng ai “vô can” khi để xảy ra tình trạng suy đồi đạo đức, xuống cấp văn hoá trầm trọng như hiện nay.

Liệu có ai không cảm thấy bàng hoàng đến xót xa và ngán ngẩm khi cứ vào mạng xã hội là có thể thấy vô số clip các bạn trẻ buông lời tục tĩu, hành xử bạo lực, đua chen vật chất, thậm chí là túm tóc, lột đồ bạn học? Liệu có ai không phẫn nộ khi những chiếc điện thoại livestream để câu view trong đám tang của một người nghệ sĩ? Liệu có ai không lo lắng rằng con em mình sẽ trở thành đối tượng tiếp thu những thứ rác bẩn ấy trên internet?

Vâng, người lớn thì có quá nhiều việc để làm, quá nhiều mục tiêu để theo đuổi. Nhưng sau tất cả, chúng ta thu hoạch được gì, còn lại gì khi cạm bẫy của ma tuý, của bài bạc, khi rác văn hoá đang chầu chực, đe doạ con em chúng ta khắp mọi nơi, mà không chừa ai cả?

Bích Diệp