Khi những “đóa hoa hồng” luôn đầy ma lực!
(Dân trí) - Không có chuyện “sống chết mặc dân, tiền thày bỏ túi” vì không loại trừ sự sai sót này là cố ý bởi những “đóa hoa hồng” luôn đầy ma lực.
Nhiều ngày qua, dại dịch Covid – 19 đã làm cả thế giới náo loạn. Với Việt Nam, tuy chúng ta đã thắng ở “trận mở màn”, song tất cả khó khăn còn ở phía trước. Dẫu chưa có tổn thất về người, nhưng hậu quả về kinh tế, dù chưa có con số thống kê chính thức, song chắc chắn là rất nặng nề.
Tuy nhiên, có một loại “dịch” cũng rất trầm trọng, kéo dài đã lâu và hậu quả của nó không hề nhỏ, đó là “dịch BOT”.
Trên báo Vietnam Net ngày 04.3, bài “BOT thất thoát, BT 'biến tướng', gánh nặng đè lên người dân” cho biết: “Từ năm 2016 đến năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, kết quả cho thấy:
Đối với 84 dự án đầu tư theo hình thức BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.684 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán. Đồng thời, cơ quan này cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.
Đối với 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán…”.
Đọc những số liệu trên, không khỏi hoảng hồn vì số tài sản thất thoát quá lớn và nếu không có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, số tài sản khổng lồ đó sẽ vào túi một số cá nhân.
Vấn đề đặt ra, tại sao lại để xảy ra tình trạng này và tại sao hội đồng thẩm định các dự án này không phải chịu trách nhiệm như lời của ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Bình:
“Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu hội đồng thẩm định. Thực tế đã có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can”.
Để hạn chế thất thoát, theo tôi cần qui rõ trách nhiệm của hội đồng thẩm định, đặc biệt là người đứng đầu. Khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai sót, họ phải giải trình và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Không có chuyện “sống chết mặc dân, tiền thày bỏ túi” vì không loại trừ sự sai sót này là cố ý bởi những “đóa hoa hồng” luôn đầy ma lực.
Xin một lần nữa nhắc lại, đây cũng là một loại “dịch” đã, đang và sẽ tiếp tục tàn phá đất nước này nếu không kịp thời ngăn chặn một cách quyết liệt.
Bùi Hoàng Tám