Dự án BT ở Hà Nội: Khoảng cách lớn dự toán và thực tế

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định tổng mức đầu tư của dự án cũng như chi phí thực tế trong quá trình thực hiện 3 dự án BT ở Hà Nội.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định tổng mức đầu tư của dự án cũng như chi phí thực tế trong quá trình thực hiện 3 dự án BT ở Hà Nội. Trong đó, vốn đầu tư thực tế thấp hơn nhiều con số ước tính ban đầu.

Dự kiến hơn 4.400 tỷ, thực tế chỉ 2.770 tỷ

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa ban hành kết luận kiểm toán chuyên đề việc thực hiện 3 hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013-2017.

Đó là dự án đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (chủ đầu tư là Công ty CP Tasco). Dự án này được đổi bằng khu nhà ở sinh thái Xuân Phương của TASCO rộng hơn 37 ha. Dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên (chủ đầu tư là Công ty CP Him Lam), dự án này được đổi 567 ha. Dự án xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (đoạn trên địa phận Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty CP Comaland), dự án này được đổi bằng hơn 63 ha đất.


Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định tổng mức đầu tư của dự án cũng như chi phí thực tế trong quá trình thực hiện dự án.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định tổng mức đầu tư của dự án cũng như chi phí thực tế trong quá trình thực hiện dự án.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến của 3 dự án này là hơn 4.421 tỷ đồng. Thế nhưng sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chỉ xác nhận giá trị hợp đồng với cả 3 dự án là hơn 2.693 tỷ đồng, giảm đến hơn 1.727 tỷ đồng, tương đương gần 40% tổng giá trị dự án.

Trong số này, dự án nút giao thông quận Long Biên bị giảm tới gần 1.080 tỷ đồng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng, thay vì gần 2.480 tỷ đồng. Còn dự án đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương chỉ được xác nhận giá trị hơn 946 tỷ đồng, giảm hơn 597 tỷ đồng; dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên được xác nhận 446 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng.

Tổng mức vốn đầu tư của dự án là toàn bộ chi phí dự tính để đầu tư xây dựng công trình được ghi trong quyết định đầu tư. Tổng mức đầu tư chỉ là cơ sở ban đầu để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Còn việc giao đất đối ứng cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện dựa trên số vốn thực tế bỏ ra.

Nguyên nhân chênh lệch được KTNN xác định bởi 2 lý do. Thứ nhất, do giá trị nhà đầu tư ký kết hợp đồng, nghiệm thu, quyết toán với nhà thầu, chi phí lãi vay đều thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được xác định trong hợp đồng (cụ thể tại 3 dự án là hơn 980 tỷ đồng).

Thứ hai, do KTNN giảm trừ hơn 747 tỷ đồng giá trị xây lắp; chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác; chi phí lãi vay; chi phí dự phòng. Nguyên nhân giảm do việc xác định sai khối lượng, sai đơn giá, định mức; xác định chưa đúng chế độ, chưa hợp lý, chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BT về các khoản mục chi phí.

Giảm tiếp hơn 400 tỷ chi phí đầu tư

Sau khi giảm trừ tổng mức đầu tư dự án, thì tổng vốn đầu tư thực tế theo báo cáo của 3 dự án là 2.770 tỷ đồng. Trong số này, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục giảm trừ hơn 434 tỷ đồng do sai khối lượng hơn 18,7 tỷ đồng; sai định mức, đơn giá hơn 129 tỷ đồng và sai khác hơn 286 tỷ đồng.

Như vậy, tổng vốn đầu tư thực tế của 3 dự án này chỉ còn là hơn 2.300 tỷ đồng, thấp hơn nhiều tổng mức đầu tư ban đầu.

KTNN đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo thương thảo với các nhà đầu tư điều chỉnh giảm giá hợp đồng BT của dự án nút giao trung tâm quận Long Biên và dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên là hơn 1.130 tỷ đồng; cân đối diện tích, giá trị đất thanh toán cho nhà đầu tư. Với dự án của Tasco, KTNN kiến nghị giảm trừ giá trị hợp đồng hơn 194,6 tỷ đồng...

Không chỉ giảm trừ tổng mức đầu tư, KTNN còn kiến nghị xác định lại giá trị đất được giao cho chủ đầu tư. Cơ chế giao đất dự án đối ứng của dự án BT còn những bất cập: không quy định rõ thời điểm giao đất, dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án, có dự án được giao trong khi thực hiện và có dự án làm xong vẫn chưa được giao đất (567 ha đất tại 4 vị trí của Dự án nút giao trung tâm quận Long Biên và dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên).

Thời điểm giao đất và cách thức tạm tính tiền sử dụng đất được KTNN cho rằng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lãng phí ngân sách do giá trị hợp đồng BT tạm tính cao hơn rất nhiều thực tế thực hiện, thời gian thi công dự án BT kéo dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình.

Kết luận kiểm toán cho hay: Tính đến tháng 4, trên địa bàn Hà Nội có 111 dự án đã được chấp thuận chủ trương, đề xuất, phê duyệt đầu tư và chuẩn bị khởi công theo hình thức BT với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 300.000 tỷ đồng. Mặc dù số dự án “đặt gạch” là rất lớn, nhưng tính khả thi chưa cao, dẫn đến quá trình triển khai phải rà soát, sàng lọc nhiều lần, loại bỏ nhiều dự án. Trong số 111 dự án trên, đến năm 2018, mới chỉ có 20 dự án được triển khai và cơ bản hoàn thành 8 dự án.

Chỉ định thầu vẫn là vấn đề nổi lên trong thực hiện các dự án dạng này, khi 12 dự án với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2013-2017, chỉ có 1 dự án được đấu thầu là trạm xử lý nước thải khu vực Hồ Tây, còn lại là chỉ định thầu. Việc cho phép nhà đầu tư tự tổ chức lập và phê duyệt dự án, sau đó chính họ lại được chỉ định thực hiện dự án làm giảm tính cạnh tranh và gây khó khăn cho quản lý tổng mức đầu tư cũng như chất lượng công trình. Thực tế cho thấy, giá trị chỉ định thầu dự án chỉ giảm rất nhỏ so với tổng mức đầu tư dự kiến, trong khi đấu thầu có thể giảm đến 30-40%, thậm chí một nửa giá trị gói thầu.

Theo: Lương Bằng

Vietnamnet

Dự án BT ở Hà Nội: Khoảng cách lớn dự toán và thực tế - 2