Khi người mới quen gõ cửa nhà bạn lúc 7AM
(Dân trí) - Thiên hướng của phương Tây luôn xem trọng sự tổ chức, sắp xếp, và lên kế hoạch càng xa càng tốt, đã ăn sâu vào con người tôi, và có vẻ không tương thích với thiên hướng bốc đồng của một số người Việt có thói quen này.
Khi mới tới Việt Nam, tôi khá ngạc nhiên về cách mọi người sắp xếp các hoạt động xã hội. Tôi có thể nhớ rõ vì sự ngạc nhiên đến vào lúc 7 giờ sáng một hôm, trong khi tôi còn đang ngủ. Có tiếng gõ cửa, và một thanh niên mà chúng tôi làm quen ở một quán cafe ngày hôm trước đang đứng đó với em trai của mình, mời chúng tôi đi ăn sáng.
Tôi sớm nhận ra rằng sự tự nhiên và sốt sắng như thế này là một tính chất căn bản của đời sống xã hội ở Việt Nam. Tôi thấy mình được mời dự đủ kiểu đi chơi mà việc khởi hành hầu như là ngay tắp lự - trong đó có cả một chuyến đi Trung Quốc mà chỉ được báo trước vài giờ - từ một người quen đứng đợi trước cửa nhà tôi và liên tục gọi điện, dù cho tôi có ở nhà hay không. Khi tôi nhận được một thiệp mời cưới chỉ vài ngày trước khi đám cưới diễn ra, thay vì nói cảm ơn như lẽ ra phải nói, thì tôi há hốc miệng vì thời gian báo trước quá ngắn. Tôi nói: "Nhưng tôi đã có kế hoạch khác mất rồi!"
Đó là một điều tôi nói rất nhiều ở Việt Nam: Tôi đã có kế hoạch, tôi bận, tôi có việc phải làm, tôi không thể làm việc đó ngay bây giờ. Và điều đó luôn luôn là thật! Thiên hướng của phương Tây luôn xem trọng sự tổ chức, sắp xếp, và lên kế hoạch càng xa càng tốt, đã ăn sâu vào con người tôi, và có vẻ không tương thích với thiên hướng bốc đồng của một số người Việt có thói quen này.
Khi một người bạn Việt Nam rủ tôi làm một việc gì đó ngay lập tức, và tôi nói, không, tôi bận rồi, nhưng chúng ta có thể hẹn nhau sau 2 tuần không, chúng tôi nhìn nhau như thể chúng tôi đến từ hai hành tinh khác nhau, mà, đối với quan hệ giữa con người với nhau, có lẽ đúng là thế thật.
Ở Úc, nếu ai đó mà bạn mới quen bỗng xuất hiện trước cửa nhà bạn vào lúc 7 giờ sáng, điều đó sẽ vô cùng kỳ lạ; nó sẽ được coi là xâm phạm sự riêng tư và không gian cá nhân, một sự áp đặt, và quá mạnh bạo. Người phương Tây sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng một mối quan hệ gần gũi đến mức một hành động như thế có thể được coi là bình thường. Ở Úc, việc không cho người khác đủ thời gian chuẩn bị được coi là thiếu lễ độ.
Ở Việt Nam, hành động này được xem là thân thiện, cởi mở và gần gũi. Vì thế tôi rất hiểu là mỗi khi tôi nói tôi bận, tôi đang thể hiện là một người cứng nhắc và thiếu xã giao.
Mọi chuyện bắt nguồn từ những khái niệm văn hóa khác nhau về cách sắp xếp những mối liên kết với mọi người quanh ta. Các nền văn hóa phương Đông tôn trọng sự dựa vào nhau, trong khi các nền văn hóa phương Tây tôn trọng sự độc lập; các nền văn hóa phương Đông tôn trọng khoảng cách gần gũi với người khác và sự liên kết, trong khi con người phương Tây cần không gian cá nhân, sự riêng tư, và "thời gian của tôi"; các nền văn hóa phương Đông có xu hướng coi thời gian một cách linh hoạt, trong khi các nền văn hóa phương Tây coi thời gian là cố định. Những điều này đều là khuôn sáo, nhưng như nhiều khuôn sáo khác, đều là sự thật.
Mặc dù tôi đang phải cố gắng hòa mình theo cách giao tiếp xã hội của Việt Nam, tôi phải thừa nhận rằng tôi cũng đã hưởng lợi rất nhiều từ nó. Là một người nước ngoài, tôi thường xuyên phải nhờ sự trợ giúp từ bạn bè, đồng nghiệp, và kể cả những người quen là người Việt, đối với những câu hỏi và vấn đề mà tôi không thể tự giải quyết được. Tôi thấy việc này là đáng xấu hổ, và lạm dụng, nhưng có vẻ như họ chẳng bao giờ lấy làm phiền, và làm mọi cách để giúp tôi ngay lập tức.
Tôi có thể gọi họ và nhờ họ nói điện thoại với một người bán hàng, và họ vui vẻ chấp thuận, không bao giờ nói, "Thực ra, tôi đang bận làm việc khác"; hoặc tôi có thể cần họ đi cùng để dịch giúp, và họ sẽ có mặt ngay, mà không cần phải báo trước lâu hơn.
Tôi ước gì có thể nói rằng một người nước ngoài sống ở Úc có thể tìm được những người bạn địa phương cũng nhiệt tình như vậy, cũng linh hoạt và hào phóng với thời gian của họ như vậy, nhưng tôi khá chắc là họ không thể. Thay vào đó, hầu hết người Úc sẽ tuyên bố rằng hành động của vị khách nước ngoài nọ là thô lỗ và đòi hỏi. Vì thế, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi làm một người nước ngoài ở trong một nền văn hóa nơi tôi không phải lo về việc áp đặt, hay lạm dụng lòng tốt của người khác.
Đó là một bài học về tiếp thu cái hay cũng như cái dở của những khác biệt về văn hóa, và mặc dù vẫn lầm bầm bực dọc khi nghe chuông cửa vào lúc 7 giờ sáng, tôi không mơ ước gì là sự thể sẽ khác đi.
A.H dịch