Khi Hà Nội là điểm sáng duy nhất về rà soát, cắt giảm chi tiêu công
(Dân trí) - Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lại gây sửng sốt khi công bố: Qua rà soát, tổ chức đấu thầu thu gom rác ở 30 quận, huyện đã giảm được 4.000 tỷ đồng.
Điều này không khiến người ta phải đặt câu hỏi: Thế nếu rà soát ở mọi lĩnh vực, ở tất cả các địa phương còn lại thì sao? Sẽ giảm được mấy chục hay mấy trăm ngàn tỷ?
Con số ấn tượng trên, như Dân trí cũng đã đưa tin, được chứng minh rất cụ thể. Theo ông Chung, kể từ năm 2016, Hà Nội tổ chức rà soát lại toàn bộ chi phí, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác và thấy chi phí đó các năm quá lớn nên đã tổ chức đấu thầu thu gom rác đồng loạt tại 30 quận, huyện và thị xã Sơn Tây.
Nhờ đó, Hà Nội giảm được 34,2% chi phí so với cùng thời gian trước đây, tương đương khoảng 4000 tỷ đồng.
Và điều rất đáng nói là chi phí giảm hàng ngàn tỷ đồng nhưng chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn, thành phố sạch đẹp hơn nhờ các đơn vị trúng thầu đều thực hiện tốt yêu cầu về việc thu gom, vận chuyển rác thải. Thậm chí, nhiều nơi còn nhập máy quét rác, hút bụi thuộc loại hiện đại nhất của Đức về, tổ chức cho công nhân đi tập huấn ở nước ngoài mà chi phí không hề tăng lên.
Đáng lưu ý đây không phải là lần đầu Hà Nội làm được việc này. Trước đây, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu rà soát chi phí cắt cỏ. Và chỉ 1 lệnh của ông, tổng chi phí cắt cỏ ở nhiều đại lộ, con đường của Thủ đô đã giảm 700 tỷ đồng trong 1 năm.
Ở đây đặt ra câu hỏi: Vậy thì trước đây, người ta làm cái gì mà chi phí quá cao như vậy mà chất lượng dịch vụ lại quá kém? Những khoản tiền lẽ ra tiết kiệm được thì nó đã đi đâu?
Trả lời câu hỏi đó, có lẽ cũng là một việc khó vì tiền đã tiêu, người đã nhận cả rồi và qua nhiều năm rồi, không dễ gì thu lại được vì có khi cũng có hóa đơn, chứng từ cả nhưng vì không rà soát, không đấu thầu, chủ yếu là chỉ định thầu nên giá của nó ở trên... giời cũng là điều dễ hiểu. Nên nhớ, cũng ngay ở Hà Nội, có thời, đánh dấu vôi lên thân cây thôi, mà người ta cũng tính chi phí tới gần 700 ngàn đồng/dấu.
Nhưng điều đáng quan tâm hơn, từ thực tế ở Hà Nội, ngay tại Hà Nội, có thể rà soát chi phí dịch vụ, mua sắm công ở tất cả các lĩnh vực còn lại không? Tại sao không khi hiện nay, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn luật đều đã đầy đủ, các quy định về chi tiêu công, mua sắm công đều đã có.
Và thực tế, tổng kết công tác đấu thầu hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy một điều chắc chắn: Đấu thầu luôn hiệu quả hơn là chỉ định thầu, tiết kiệm được nhiều hơn chỉ định thầu. Cho dù là, ngay trong chuyện đấu thầu cũng không ít tiêu cực: Quân xanh, quân đỏ... nhưng nhìn chung, cơ bản người ta cũng thừa nhận đấu thầu có xu hướng tạo ra cạnh tranh, giảm chi phí hơn là tiền công cứ giao bừa, chỉ định cho người thân quen, "cánh hẩu"....
Và nếu ở tất cả các bộ, ngành, các địa phương, cùng thời điểm này, mở đợt tổng rà soát chi phí, có thể tập trung vào một số dịch vụ công thôi: Cấp thoát nước, cắt cỏ, vệ sinh môi trường... có khi, cũng sẽ giống như Hà Nội, sẽ tiết kiệm được mỗi nơi hàng ngàn tỷ đồng, nhân lên, có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng chưa biết chừng.
Không phải không có những ví dụ thời gian qua cho thấy, có những công trình, dự án như về hàng không, giao thông... mà vốn đầu tư ban đầu phía các đơn vị cứ đề nghị lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhưng có khi chưa cần rà soát, mới chỉ là những chất vấn, phản biện gai góc một chút ở Quốc hội, ở Hội đồng nhân dân, người ta đã phải vội vàng sửa lại, rút lại còn vài ngàn tỷ mà cơ bản, qui mô đầu tư cho dự án đó vẫn thế.
Cho nên, rà soát, rà soát đi, rà soát lại, kiểm tra, thanh tra, tổ chức đấu thầu chặt chẽ... cho tất cả các dịch vụ mua sắm công, đầu tư là việc phải làm thường xuyên, liên tục, ở tất cả các nơi, các ngành chứ không phải chỉ để Hà Nội như một điểm sáng duy nhất về rà soát, cắt giảm chi tiêu công.
Mạnh Quân