Khi "giấy phép con" vẫn là nhà, là xe... cho cán bộ, công chức
(Dân trí) - "Cuộc chiến" chống giấy phép "con", giấy phép "cháu"... những khái niệm chỉ những điều kiện kinh doanh trái luật ở nhiều bộ, ngành dường như chưa có hồi kết. Dù trong cuộc họp do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, chỉ đạo về vấn đề này trong các ngày 22 và 23/6, đã có nhiều tuyên bố mạnh mẽ được đưa ra.
Cuộc họp trên, như một số thành viên dự họp kể lại, đã rất căng thẳng quanh việc từ 1/7 tới, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được qui định trước đây ở các văn bản thông tư, do các bộ ban hành sẽ phải thu gọn lại và chỉ quy định ở các Nghị định hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ.
Theo yêu cầu này, sẽ có tới 3.500 ĐKKD trái luật sẽ bị bãi bỏ để chỉ còn 6 ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là một đột phá rất lớn về thể chế kinh tế mà lãnh đạo Chính phủ từ nhiệm kỳ trước đã cố gắng triển khai.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cũng là Tổ trưởng Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư nhiệm kỳ trước đã từng tâm sự rằng, đây là điều lớn lao nhất mà ông và các đồng sự có thể làm cho đất nước. "Suy cho cùng, để kinh tế phát triển thì phải cởi trói, tháo gỡ ách tắc để DN và người dân được làm ăn", ông từng nói với các phóng viên.
Điều đáng mừng là ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều thành viên trong Chính phủ mới đã tỏ ra quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư mới với tinh thần giảm tối đa các thủ tục, ĐKKD không cần thiết, gây khó khăn cho DN.
Không hô hào suông. Lo ngại lớn nhất của cộng đồng DN và các chuyên gia kinh tế hiện nay là các thủ tục, giấy phép "con" vô lý từ hàng chục năm nay còn rất nhiều ở các thông tư, nếu chúng được bê nguyên xi lên các nghị định mới thì điều đó có nghĩa, mọi cách cải cách theo 2 luật mới là vô nghĩa, thậm chí, còn là một bước lùi. Nhưng tỏ ra rất sâu sát về điều này, ngay tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết liệt chỉ đạo: "Không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới".
Ông thậm chí nhấn mạnh: "Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.
Tuy nhiên, nói là như vậy, nhưng cũng có thể thấy, một cuộc họp cấp Chính phủ về vấn đề xây dựng thể chế kinh tế, chủ yếu tập trung về xây dựng 51 Nghị định trong đó chủ yếu để hướng dẫn thi hành các Luật DN, Luật Đầu tư, qui định về ĐKKD về vấn đề tưởng đã rõ ràng như vậy mà kéo dài suốt 2 ngày, đủ cho thấy mức độ phức tạp tình hình.
Không chỉ ở cuộc họp trên, mà qua nhiều chương trình về cải cách thủ tục hành chính gần đây, vẫn còn có nhiều tiếng nói của bộ này, ngành kia muốn níu kéo, kéo dài những ĐKKD vô lý, hoặc đã từng hợp lý nhưng nay đã lạc hậu với tình hình phát triển.
Những giấy phép "con", giấy phép "cháu" đó, từ lâu, đã là mảnh đất màu mỡ, là nguồn sống, là tiền mua căn hộ, nhà ở, tiền cho con đi du học, tiền đi chơi golf, du lịch... của không ít cán bộ, công chức. Chính vì điều này, người ta phải đặt ra những ĐKKD vô lý để tạo ra mảnh đất cho nhũng nhiễu, đòi hỏi DN. Cho nên, việc xoá bỏ những giấy tờ, thủ tục dưới hình thức các ĐKKD đó, thực sự là một "cuộc chiến" rất khó khăn. Đôi khi "cuộc chiến" đó được ví như cuộc đấu với quái vật "Phạm Nhan": Chặt tay này, mọc tay khác, chặt đầu này, mọc đầu khác...
Nhưng chúng ta cũng có thể hy vọng, Chính phủ mới với sự quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay từ đầu với những sự quyết liệt trong xử lý từ các vụ việc nhỏ: Xử lý các cán bộ đã hình sự hoá chủ quán cà phê "Xin chào", cho đến các hoạt động đối thoại với cộng đồng DN, xử lý hàng loạt các vướng mắc, cho đến việc đôn đốc, cải cách thể chế kinh tế lần này, sẽ khiến các bộ, ngành nào còn bảo thủ, níu kéo lợi ích cục bộ, phải thay đổi vì lợi ích chung.
Đạp đổ những "nồi cơm" nhỏ bé của những cán bộ, công chức thiếu liêm chính, xoá bỏ những "lợi ích nhóm" chi phối chính sách công-như Thủ tướng đã tuyên bố, Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ làm được điều lớn lao, khiến người dân, DN được cởi trói sức sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Mạnh Quân