Khi con cá bị câu ngay khi vừa thả xuống

(Dân trí) - Kênh Nhiều Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được cải tạo như hôm nay là một cố gắng rất lớn của chính quyền. Mặc dù, phải 37 năm tính từ khi đất nước thống nhất mới làm được việc này, nhưng dù chậm vẫn còn hơn không.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 

Đi trên những con đường hai bên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, người dân đã không còn bịt mũi khó chịu, không còn vấp phải những đống rác tanh tưởi, mà có thể hít thở không khí, nhìn ngắm những thảm cỏ xanh. Và xa hơn, tuy còn thua quá xa các nước văn minh, nhưng người dân Sài Gòn cũng có chút tự hào vì thêm được vài con đường xanh, sạch, đẹp. Có thể nói, cải tạo được kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một sự thay đổi mang đến chất lượng sống cao hơn, có thực chất đối với người dân.

 

Mới đây, chính quyền thành phố liên tục tổ chức các đợt thả cá để tiếp tục cải tạo môi trường sinh thái trên những con kênh mới hồi sinh. Cá được thả rất nhiều, và nếu có được môi trường sống tốt, chẳng bao lâu chúng ta sẽ nhìn ngắm những đàn cá tung tăng trên dòng kênh. Dòng kênh không chỉ sạch, đẹp mà còn có sinh khí, không phải là “dòng kênh tử khí” như một thời đã qua.

 

Thế nhưng, đôi khi muốn làm cái điều tốt không dễ, muốn làm cái đẹp cũng khó. Khi con kênh có thêm nhiều cá được thả xuống thì có thêm nhiều chiếc cần câu thả theo. Người ta đổ xô đến hai bờ kênh để câu cá, những tay câu này không phải là chơi theo kiểu giải trí, lãng tử mà “cơm gạo” thực sự. Không chỉ câu, họ còn thả lưới để hốt cho nhanh. Sản phẩm được bán tại chỗ hoặc đưa ra chợ. Với tốc độ khai thác này, cá thả không kịp cho người câu, mục đích cải tạo môi trường sinh thái sẽ bị phá sản.

 

Đó là ứng xử với “cá”, còn ứng xử với “nước” thì sao. Dù chính quyền đưa ra nhiều lệnh cấm, nhưng người dân vẫn lén lút vứt rác xuống kênh. Rác đựng trong các túi ni lông, chờ đêm tối là bay xuống kênh. Rác và chất thải đủ loại phá hủy môi trường, lâu dần, con kênh lại ngập rác, phải bỏ tiền tấn để nạo vét các loại rác rưởi do những người vô ý thức ném xuống. Cái giá phải trả cho phá hoại môi trường rất lớn không thể tính hết, nhưng dù giá nào thì cũng đổ lên đầu dân, tiền để xử lý hậu quả cũng là tiền của dân.

 

Vậy thì, tất cả mọi công dân thành phố cần ý thức rằng, bảo vệ môi trường - cụ thể ở đây là các con kênh - chính là bảo vệ các giá trị sống cho cá nhân và cộng đồng, bảo vệ tiền bạc của nhà nước trong đó có đồng tiền thuế đóng góp của từng người. Để có được nhận thức như vậy trong xã hội, chính quyền phải tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có chất lượng. Cha mẹ vứt rác xuống kênh thì khó có thể dạy con họ không vứt rác. Người lớn đi câu cá do chính quyền thả xuống kênh thì không thể dạy trẻ em phải bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Nhưng giáo dục là chuyện dài lâu, việc ngay lập tức phải làm là có quy định xử phạt để xử lý những người câu cá, lưới cá trên kênh hiện nay. Hãy cứ học Singapore mà không cần đâu xa, phạt thật nặng những kẻ có hành vi xâm hại đến môi trường thì không ai dám vi phạm.

 

Nếu cứ để tình trạng con cá bị câu ngay khi vừa thả xuống thì thả cá để làm gì cho lãng phí phải không, thưa chính quyền?

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!